ĐH Kinh tế Quốc dân phản đối yêu cầu bồi thường 44 tỷ đồng của cựu sinh viên

Hà NộiNhà trường không đồng ý bồi thường, nói hồ sơ của ông Dương Thế Hảo thất lạc trong khe tủ trong trường hợp bất khả kháng, phủ nhận “giam” bằng tốt nghiệp của ông suốt 30 năm.

Ngày 6/5, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa ông Dương Thế Hảo, 66 tuổi và bị đơn là trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông Hảo trước đó khởi kiện đòi bồi thường 36,7 tỷ đồng thiệt hại vật chất và tinh thần do bị trường “giam” các tài liệu như sổ hộ khẩu; giữ bằng tốt nghiệp đại học và hồ sơ cá nhân 30 năm khiến ông bị ảnh hưởng mọi mặt cuộc sống, sự nghiệp và đời tư.

Tại phiên tòa, ông thay đổi số tiền yêu cầu bồi thường lên hơn 43,9 tỷ đồng.

Theo trình bày của nguyên đơn, năm 1977, ông nhập ngũ, phục vụ 4 năm tại Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không Không quân. Ra quân năm 1981, ông thi đậu khoa Kinh tế của trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (tiền thân của trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngày nay), khóa năm 1984.





Nguyên đơn Dương Thế Hảo tới tòa hôm 6/5. Ảnh: Thanh Lam

Nguyên đơn Dương Thế Hảo tại TAND Hà Nội, ngày 6/5. Ảnh: Thanh Lam

Ông Hảo cho hay, năm 1989 ông hoàn thành tất cả môn học và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với số điểm đạt trở lên, nhận được giấy xác nhận đã thi tốt nghiệp và đợi cấp bằng.

Ông từng là phó giám đốc một hợp tác xã công nghiệp và ứng cử làm quyền giám đốc một doanh nghiệp khác. Do không bằng tốt nghiệp đại học nộp cho công ty, ông không thể tiếp tục đảm nhận chức vụ. Ông nhiều lần đến trường hỏi nhưng không được.

Theo ông, khi nhập học, đã nộp hồ sơ quân nhân, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ, địa chỉ tạm trú của ông cũng được chuyển về trường. Song do chưa lấy được bằng tốt nghiệp, toàn bộ hồ sơ gốc của ông cũng được trường giữ lại, trong khi chứng minh nhân dân cũ đã hết hạn.

Ông cưới vợ nhưng không thể làm giấy kết hôn, không thể làm tạm trú, hai con không thể làm giấy khai sinh ở Hà Nội, không đi học được ở Hà Nội. Gia đình tan vỡ. Ông sống nhiều năm không chứng minh thư, hộ chiếu, không thể xuất ngoại, không mua bán tài sản nhà đất, có tiền để thành lập doanh nghiệp nhưng không thể đứng tên.

Sau nhiều lần gửi văn bản đến trường, ông Hảo khởi kiện năm 2018 và được trường trao bằng. Năm tốt nghiệp lại ghi 1994 do các hồ sơ của trường sót lại thể hiện ông Hảo có tên trong danh sách sinh viên tốt nghiệp năm 1994, trong khi ông khẳng định, mình tốt nghiệp năm 1989.

“Một chiến sĩ hy sinh nhưng hai chục năm sau mới quy tập hài cốt và xác định danh tính được. Vậy ngày anh ta hy sinh sẽ là ngày anh ấy mất, hay ngày anh ấy được công nhận liệt sĩ? Trường hợp của tôi cũng thế thôi”, nguyên đơn trình bày.

Ông khẳng định không muốn khởi kiện nhưng cảm thấy “quá khó nói chuyện”.

“Bố mẹ tôi nuôi chắt chiu tôi ăn học với hy vọng gì, chắc không cần phải nói. Nhưng đến cái bằng cũng không lấy được, công việc đàng hoàng cũng không có, hộ khẩu cũng không lấy được ra. Trong khi tôi 4 năm phục vụ trong đơn vị quân sự hiện đại nhất khi đó, là cơ sở rất tốt để con đường tương lai rộng mở”, ông phân trần.

Đại diện trường: Hồ sơ thất lạc trong khe tủ là “sự kiện bất khả kháng”

Trình bày sau đó, đại diện nhà trường khẳng định yêu cầu bồi thường của ông Hảo là không có căn cứ, đồng thời phủ nhận các cáo buộc về việc “giam giữ” bằng tốt nghiệp, hồ sơ và hộ khẩu.

Đại diện trường nêu, ông Hảo ra trường năm 1989 nhưng không liên hệ như những sinh viên khác để làm thủ tục xin lại hồ sơ cá nhân, đến 2017 mới có thư gửi hiệu trưởng về vấn đề này. Ngay lập tức, trường phân công cán bộ giải quyết nhưng không tìm thấy hồ sơ và đã có trả lời với ông.

Để đảm bảo quyền lợi tối đa cho sinh viên, trường vẫn cấp xác nhận ông là cựu sinh viên, xác nhận bảng điểm và xác nhận trường không còn lưu giấy tờ gì của ông.

Sau nhiều văn bản qua lại, quá trình khởi kiện lần đầu năm 2018, tòa tạm dừng để tiếp tục cho trường “huy động toàn bộ lực lượng” tìm kiếm lại một lần cuối cùng. Tháng 7/2018, hồ sơ của ông được tìm thấy trong khe tủ ở một bộ phận không liên quan Phòng Quản lý đào tạo hay cựu sinh viên.

Trưởng phòng tổng hợp trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, tại phiên tòa đó, trường cũng đã trao trả lại các hồ sơ này cho ông Hảo và xin lỗi, sau đó trao bằng cho ông vào năm 2019.

Sự chậm trễ trong trao trả hồ sơ cho ông Hảo là “vấn đề khách quan, bất khả kháng” do trường thay đổi trụ sở nhiều lần. Cán bộ trường khi tìm hồ sơ cũng chỉ tìm ở các khoa trực tiếp liên quan đến sinh viên ở bộ phận lưu trữ, không biết rằng hồ sơ bị thất lạc ở bộ phận khác.

“Ngoài ra, qua quá trình trưởng thành suốt 30 năm, các thế hệ thầy cô, lãnh đạo khoa, trường đã mất. Do đó sau này hoạt động lưu trữ của nhà trường chỉ là sự tiếp nhận từ trước”, vị đại diện nêu quan điểm.

Về cáo buộc “giam bằng tốt nghiệp” 30 năm, trường phủ nhận do năm 2019 mới cấp bằng tốt nghiệp lần đầu cho ông Hảo. Vị đại diện cho rằng ngoài lời khai của ông Hảo, không có bằng chứng nào thể hiện việc nhiều lần liên hệ với trường để nhận hồ sơ và bằng tốt nghiệp nhưng không được giải quyết.

Tương tự, trường cũng cho rằng không có việc giữ sổ hộ khẩu của ông suốt 30 năm, do trong bản tự khai lần đầu, ông Hảo nói không nộp sổ hộ khẩu khi nhập học, nhưng tại tòa lại thay đổi lời khai. Trường khẳng định không yêu cầu sinh viên nộp bản gốc sổ hộ khẩu khi nhập học.

Ngoài ra, theo vị đại diện, trong hộ khẩu ông được cấp năm 2004 nêu nơi tạm trú trước đó là Đại học Kinh tế Quốc dân. Do đó, trường chỉ là nơi tạm trú cho sinh viên nhập học, không phải nơi đăng ký thường trú hay giữ sổ hộ khẩu của ông.

Về số tiền bồi thường, vị đại diện cho rằng không có căn cứ để chấp nhận do ông Hảo không đưa ra được chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế, trực tiếp liên quan đến số tiền yêu cầu.

“Ví dụ tổn thất về lương, ông phải chứng minh được doanh nghiệp không tiếp nhận ông vào vị trí có mức lương đó do ông không có bằng tốt nghiệp đại học và hộ khẩu”, đại diện bị đơn nêu quan điểm.

Phải thông qua Bộ Giáo dục Đào tạo mới có phôi in bằng

Trình bày thêm về lý do đến 1994 ông Hảo mới có trong danh sách sinh viên tốt nghiệp, dù thi xong năm 1989, đại diện trường cho hay ông Hảo bị lưu ban một năm, sau đó chuyển ngành. Năm 1989, ông tiếp tục vi phạm quy chế thi nên bị hoãn công nhận tốt nghiệp 2 năm.

Trong thời gian tạm hoãn, theo quy định, sinh viên phải đến nộp các tài liệu để xét tốt nghiệp trong các khóa sau đó. Hết thời gian tạm hoãn, sinh viên phải làm đơn đề nghị và được Hội đồng xét tốt nghiệp họp thông qua.

Danh sách các sinh viên bị tạm hoãn cùng quyết định của từng người, được trường dán thông báo tại bảng tin công khai, không thông báo đến từng người.

Ngoài ra, theo cán bộ trường, phôi bằng tốt nghiệp khi đó do Bộ Giáo dục Đào tạo cấp. “Khi sinh viên đến trường đề nghị, trường mới có văn bản xin cấp phôi từ Bộ, chứ không được tự chủ, in sẵn như bây giờ, không phải sinh viên đến là có ngay”, vị đại diện nói và cho hay đến năm 2015, trường mới được tự chủ việc in phôi bằng.

Nêu quan điểm sau đó, ông Hảo khẳng định chưa bao giờ nghe đến việc bị bất cứ hình thức kỷ luật nào. Ông dẫn chứng 6 học kỳ làm lớp phó học tập và thành viên Hội đồng thi đua khen thưởng của trường, một lần là đại diện của trường tham gia Hội đồng tuyển sinh của cả Bộ Giáo dục, 5 kỳ học liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên tiên tiến.

“Vậy mà giờ nói tôi bị kỷ luật vi phạm quy chế và vin vào đó để treo bằng. Đề nghị trường cung cấp quyết định kỷ luật đó, nếu không sẽ là hành vi gian dối”, ông Hảo gay gắt.

HĐXX cho rằng còn nhiều tình tiết chưa làm rõ ngay tại tòa, cần thời gian để xác minh, nhất trí với đề nghị của VKS và tuyên bố tạm dừng phiên tòa. Ngày mở lại, sẽ được thông báo sau.

Thanh Lam