
Chuyên gia chứng khoán quốc tế thảo luận về chiến lược đầu tư chứng khoán Việt – Ảnh: YSVN
Hội thảo “Kết nối tầm nhìn châu Á – Tạo lập kỷ nguyên thịnh vượng” vừa diễn ra vào hôm nay 19-4 tại TP.HCM, thu hút nhiều chuyên gia tài chính – chứng khoán đến từ Việt Nam và quốc tế.
Không hoang mang, tăng rủng rỉnh tiền mặt, sẵn sàng cơ hội vào chứng khoán
“Vài tuần qua rất khó khăn với nhà đầu tư, nhưng đó chỉ là một phần của thị trường chứng khoán, đôi khi không lên mãi được, biến động. Dù vậy, nhìn chung thị trường Việt Nam vẫn ổn định hơn so với một số thị trường khác, trong đó có Mỹ”, ông Matthew Smith – giám đốc nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – chia sẻ.
Theo ông Matthew Smith, năm qua chứng khoán Việt dao động quanh mốc 1.200 – 1.300 điểm. Bắt đầu chao đảo mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố mức áp thuế đối ứng với Việt Nam lên tới 46%.
Với năng lực của Việt Nam, “không cần quá bi quan”. Tuy nhiên, nhà đầu tư chứng khoán cần có chiến lược phù hợp khi phân bổ danh mục đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn 90 ngày hoãn thuế (hạn cuối ngày 9-7) và sau đó.
Ông Matthew Smith cho rằng từ nay đến ngày 9-7, thị trường chứng khoán sẽ dao động trong vùng nhất định, thanh khoản không cao. Nhà đầu tư giữ sự kiên nhẫn, thận trọng, không hoảng loạn. Với người có tiềm lực tài chính, tìm được cổ phiếu yêu thích và giá đã giảm xuống “đáy”, có thể phân bổ với tỉ trọng tương đối.
Ông Yen Chen-Hui – giám đốc phân tích, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu thuộc bộ phận tư vấn đầu tư Yuanta (YIC) – đặt vấn đề: “Tham lam khi mọi người sợ hãi, điều nhiều người biết. Nhưng nên “tham lam” thế nào đây?”.
Trong ba tháng tới, nhà đầu tư phải quản lý tốt danh mục. Giữa lúc kinh tế chung còn nhiều ẩn số, cần đa dạng các tài sản, có ít nhất 50% gửi vào các kênh tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu, vàng…
“Quý 2 năm nay bất định, nhưng sau đó tình hình sẽ rõ ràng hơn. Điều quan trọng là sống sót qua quý 2, có tiền mặt để giữ quyền mua cổ phiếu khi cần”, ông Yen chia sẻ.
Top doanh nghiệp Việt được nhà đầu tư ngoại quan tâm rót vốn
Có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Min Byungkyu cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế điển hình như vị trí địa lý chiến lược, đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở thị trường Việt, khối Hàn ưa chuộng đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn như Vingroup, SSI, Masan, Bảo Việt, PetroVietnam, Petrolimex…
Hoạt động tại thị trường Thái Lan, ông Jaruchart Buchachart nhận định vài năm gần đây tăng trưởng GDP của Thái Lan tương đối chậm. Nhà đầu tư có xu hướng đổ vốn vào những quốc gia có độ tăng trưởng mạnh, điển hình Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp lớn của Thái Lan cũng đang tăng mở rộng đầu tư ở Việt Nam, nổi bật trong số đó có CP, KBank, Central Pattana, Charoen Pokphand…
Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Thái quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ, dịch vụ công nghệ thông tin, giáo dục… Trong đó điển hình gồm các “ông lớn” Vietcombank, Tập đoàn FPT, Thế Giới Di Động…