Lương tối thiểu vùng theo tháng và giờ được kiến nghị tăng 7,2% từ ngày 1/1/2026 nhằm bù đắp trượt giá do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.
Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng do Bộ Nội vụ xây dựng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, lương tối thiểu vùng I dự kiến tăng từ 4,96 triệu đồng lên 5,31 triệu đồng/tháng; vùng II từ 4,41 lên 4,73 triệu; vùng III từ 3,86 lên 4,14 triệu; vùng IV từ 3,45 lên 3,7 triệu đồng. Lương tối thiểu giờ sẽ được điều chỉnh tương ứng theo mức lương tháng.

Mức lương tối thiểu được đề xuất áp dụng từ 1/1/2026.
Dự thảo cũng quy định người sử dụng lao động đặt trụ sở hoặc hoạt động tại địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng của địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh hoặc hoạt động tại khu công nghiệp, chế xuất nằm trên nhiều địa bàn khác nhau, sẽ áp dụng mức cao nhất trong số các vùng liên quan.
Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu năm 2025 tăng 6% giúp cải thiện đời sống người lao động, song vẫn chưa đủ bù đắp trượt giá khi CPI dự kiến tăng bình quân 3,7% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2026. Nếu không điều chỉnh thêm, đến cuối năm 2026 lương tối thiểu sẽ không còn đảm bảo mức sống tối thiểu.
Đề xuất điều chỉnh lần này cũng căn cứ vào bối cảnh kinh tế tích cực, như tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt trên 7,5%, mục tiêu năm 2025 đạt từ 8% trở lên; thị trường lao động phục hồi ổn định, sản xuất kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc cập nhật địa bàn áp dụng lương tối thiểu cần theo sát tình hình thực tế sau sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện chính quyền hai cấp từ 1/7/2025.

Giờ vào ca của công nhân May 10, tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành
Lương tối thiểu tháng là mức thấp nhất làm cơ sở thỏa thuận và trả lương đối với lao động áp dụng trả lương theo tháng và tương tự với mức lương theo giờ. Người lao động nhận lương theo tuần hoặc ngày, theo sản phẩm, lương khoán thì được quy đổi theo lương tháng hoặc giờ, không thấp hơn lương tối thiểu tháng hoặc giờ quy định.
Người sử dụng lao động không được cắt giảm lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm, hoặc cắt bỏ các chế độ khác như bồi dưỡng bằng hiện vật. Các chính sách đã thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động, như mức lương cao hơn tối thiểu 7% đối với người có trình độ nghề, vẫn tiếp tục được duy trì.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết giai đoạn 2015-2022, lương tối thiểu danh nghĩa tăng từ 119 lên 168 USD, song do lạm phát, mức tăng thực tế không đáng kể. Trong giai đoạn 2020-2022, lương tối thiểu tăng hơn 6%, nhưng tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.
ILO khuyến nghị việc điều chỉnh lương cần dựa trên dữ liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng, năng suất, việc làm và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Mức tăng lương tối thiểu phải đủ để giữ được giá trị thực của thu nhập và đáp ứng nhu cầu cơ bản của người lao động và gia đình họ.
Hoàng Phương