Sở Xây dựng TP HCM đề nghị nghiên cứu bổ sung vị trí kết nối, nhà ga dọc tuyến metro nối nội đô thành phố đến Cần Giờ do Vingroup dự kiến đầu tư để tăng hiệu quả dự án.
Đây là một trong những nội dung góp ý được Sở Tài chính tổng hợp, vừa báo cáo UBND TP HCM liên quan kế hoạch dự án đường sắt đô thị dài 48,5 km, từ quận 7 đến Cần Giờ. Tuyến tàu điện này do Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư, trong đó theo nghiên cứu sơ bộ hiện nay, trên tuyến có hai nhà ga, một depot ở quận 7 và depot khác tại xã Long Hòa, Cần Giờ.

Hướng tuyến metro nối trung tâm TP HCM xuống Cần Giờ. Đồ họa: Hoàng Thanh
Góp ý về hướng tiếp cận đầu tư dự án, Sở Xây dựng cho rằng cần làm rõ định hướng phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), cũng như chiến lược phát triển kinh tế biển, kinh tế xanh và vùng ở TP HCM sắp tới. Do đó, Sở nêu quan điểm dọc hành lang tuyến metro cần bổ sung điểm kết nối, nhà ga ở quận 4, 7, Nhà Bè, Cần Giờ. Việc này nhằm tăng hiệu quả phát triển đô thị dọc tuyến theo mô hình TOD, tăng tính khả thi dự án.
Sở Xây dựng TP HCM cũng đề nghị các bên liên quan làm rõ phương án bố trí depot metro tại quận 7 và Cần Giờ, trong đó cần tăng cường chức năng công cộng tại vị trí dự kiến xây dựng. Dự án cần nghiên cứu khả năng bố trí hướng tuyến chung với cầu Cần Giờ, đảm bảo đáp ứng về kỹ thuật và thống nhất tiến độ. Ngoài ra, nhà đầu tư và các bên cũng cần tính toán tốc độ thiết kế phù hợp để tối ưu hiệu quả khai thác.
Trước đó, theo phương án đầu tư được tập đoàn Vingroup đề xuất, metro nối quận 7 – Cần Giờ có điểm đầu tại đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao Nguyễn Thị Thập và Lý Phục Man), điểm cuối ở khu đất 39 ha tiếp giáp dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Tuyến metro sẽ có một đoạn bám theo đường Rừng Sác đến cuối tuyến kết nối vào dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Ảnh: Quỳnh Trần
Tuyến metro này đi trên cao, đường đôi, khổ 1.435 mm mỗi đường với tốc độ tối đa 250 km/h. Với thiết kế này, dự án có tốc độ gấp hơn hai lần các tuyến đang khai thác như metro Bến Thành – Suối Tiên (tối đa 110 km/h), Cát Linh – Hà Đông (80 km/h)…
Theo nghiên cứu sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh). Toàn bộ vốn đầu tư sẽ do Tập đoàn Vingroup tự thu xếp. Doanh nghiệp này vừa khởi công khu đô thị lấn biển ở Cần Giờ.
Ngoài một số góp ý nhằm nâng cao tính khả thi và hiệu quả dự án, Sở Tài chính TP HCM cho biết qua tổng hợp ý kiến từ sở, ngành và địa phương liên quan, các bên đều cơ bản thống nhất với đề xuất của Tập đoàn Vingroup và đánh giá dự án là cần thiết, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển giao thông ở thành phố.
Giang Anh