‘Đầu tàu’ TP HCM trước cuộc chuyển đổi kép

“Hụt hơi” sau nửa thế kỷ dẫn dắt nền kinh tế, TP HCM quyết chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang xanh và số để lấy lại tốc độ phát triển hai con số.

“Khi bắt tay vào khảo sát để lập Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, chúng tôi sớm nhận ra vai trò đầu tàu kinh tế của TP HCM đang ngày càng mờ nhạt”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc ngành Nước & Quy hoạch Việt Nam của Royal HaskoningDHV – Trưởng liên danh tư vấn cho đề án Quy hoạch TP HCM – nói.

Nơi đây từng đóng góp hơn 25% GDP cho cả nước, nhưng giờ còn quanh mức 16%. Không chỉ quy mô kinh tế, sự thịnh vượng của người dân cũng suy giảm. GRDP bình quân đầu người ở TP HCM chỉ đứng thứ 5 cả nước, sau Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bình Dương và Bắc Ninh. Chỉ tiêu này nếu so với khu vực càng mờ nhạt. Dân số TP HCM khoảng 10 triệu người, lớn hơn Kuala Lumpur (Malaysia), nhỏ hơn Jakarta (Indonesia) nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ nhỉnh hơn Phnom Penh (Campuchia).

Dù vẫn tăng trưởng nhanh hơn mức bình quân cả nước, lợi thế của “đầu tàu” kinh tế không còn rõ nét như trước do nhiều địa phương khác đang vươn lên mạnh mẽ. Thời kỳ 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng của TP HCM cao hơn bình quân cả nước 1,22 lần, đến 2016 – 2020, khoảng cách này thu hẹp còn 1,07 lần. Thậm chí giai đoạn 2021-2025 (do ảnh hưởng nặng bởi Covid, GRDP 2021 của TP HCM âm 6,78%, cả nước vẫn tăng 2,91%), khiến tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố chỉ bằng 0,67 lần cả nước.

Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 đề ra nhiệm vụ cho TP HCM phải tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8-8,5% đến 2030, sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á và châu Á. Để lấy lại phong độ, TP HCM chủ động nâng mục tiêu tăng trưởng từ năm 2025 lên 10%, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Thành phố đã và đang chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến cải thiện chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn”, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được khẳng định tại hội thảo TP HCM – Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, cuối tháng 3.

Chuyển đổi kép

Gắn bó với kinh tế TP HCM 4 thập niên qua, PGS TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, Thư ký Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên, chỉ ra “chìa khóa” để củng cố vai trò đầu tàu là kết hợp các động lực mới gồm: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, với ba động lực truyền thống của địa phương gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

“Chuyển đổi kép ‘xanh’ và ‘số’ vừa là xu hướng tiềm năng, vừa là lối thoát tốt nhất cho TP HCM”, PGS TS Trần Hoàng Ngân nói.

Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt ở UBND quận 4. Ảnh: Trung Sơn

Đồng tình với định hướng chuyển đổi kép của thành phố, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho rằng, TP HCM có tiềm năng chuyển đổi số lớn khi tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh lên đến 76%, hạ tầng viễn thông phát triển. Đây là nền tảng thuận lợi để phát triển kinh tế số.

Về chuyển đổi xanh, ông cho rằng đây không còn là một lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc để phát triển bền vững. Bởi lẽ, trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ do biến đổi khí hậu, với 65% diện tích đất nằm dưới 1,5 m so với mực nước biển. Thiệt hại kinh tế do ngập lụt lên đến 250 triệu USD mỗi năm và có thể tăng lên 350-500 triệu USD vào 2030 nếu tác động gia tăng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng khi vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng và hàng hóa cần đáp ứng tiêu chí bền vững theo tiêu chuẩn chung của thế giới, trọng trách “xanh hóa” với đầu tàu không nhỏ.

“TP HCM cần trở thành hình mẫu về phát triển xanh, bởi nếu thành phố này không đạt chuẩn, rất khó để thế giới tin rằng Việt Nam có thể Net Zero vào 2050”, bà nói.

Theo PGS TS Trần Hoàng Ngân, TP HCM có nhiều thuận lợi để lấy lại phong độ tăng trưởng hai con số nhờ chuyển đổi kép. Bởi thành phố đã đề ra các định hướng này nhiều năm trước, đến nay đang được đẩy nhanh tiến độ vì tính cấp thiết.

Với công nghiệp, TP HCM tái cơ cấu theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hình thành nên các trung tâm phục vụ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, với 3 mũi nhọn gồm: Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0; Trung tâm Chuyển đổi số; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi số, R&D; kết hợp với các trường đại học.

Màn hình theo dõi tình hình giao thông qua camera tại Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị đang có tại TP HCM. Ảnh: Gia Minh

Với dịch vụ, TP HCM đã bắt đầu nghiên cứu để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế từ sớm. Lợi thế của thành phố là hệ sinh thái tài chính đã dần định hình với hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động hơn 40 năm, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM phát triển 25 năm. Đây cũng là nơi tập trung nhiều định chế tài chính nhất của cả nước, gồm các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, nhiều ngân hàng nước ngoài. Dù chưa thành lập, TP HCM hiện đứng 98 trên 119 thành phố trong Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), sát với Bangkok, Jakarta và hơn Manila.

Từ góc độ doanh nghiệp FDI, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM Matsumoto Nobuyuki, cho biết Singapore và Bangkok hiện đóng vai trò trung tâm điều hành khu vực của các công ty Nhật tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nước này bắt đầu chuyển chức năng đó sang TP HCM. Nơi đây có lợi thế về vị trí khi chỉ cách thủ đô các nước ASEAN khoảng 2,5 giờ bay và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

“Việc cải thiện thủ tục hành chính là điều kiện tiên quyết để TP HCM trở thành trung tâm tài chính thực sự”, ông chỉ ra vấn đề.

Thủ tục hành chính nói riêng hay thể chế nói chung cũng là một trong những điểm nghẽn nổi bật được liên danh tư vấn Quy hoạch TP HCM đề cập trong quá trình tìm nguyên nhân khiến đà tăng trưởng chững lại.

“Cởi trói” thể chế

“Thể chế như một ‘ma trận’ chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật và quy định, khiến việc thực thi trở nên khó khăn, nguồn lực bị lãng phí. TP HCM không mấy chủ động trong việc đưa ra các quyết sách lớn, phụ thuộc nhiều vào phê duyệt của các bộ ngành Trung ương”, ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Trước tình thế đầu tàu giảm tốc, vị thế ngày càng suy yếu, từ năm 2017, TP HCM đã chủ động đề xuất cơ chế phát triển riêng và được Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, Nghị quyết chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Suốt giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình chỉ đạt 6,4% mỗi năm, thấp hơn cả giai đoạn 2011 – 2015 là 7,2%.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, nguồn lực cho phát triển, giai đoạn 2015-2020 tăng không đáng kể, dù lý thuyết là hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Từ năm 2015 đến 2019, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước giảm hơn 6.000 tỷ đồng. Giai đoạn 5 năm gần nhất là 2021 – 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm của TP HCM chỉ loanh quanh mức 70%. Trong khi, vốn ngoài nhà nước – gồm doanh nghiệp và dân cư – bơm vào nền kinh tế vẫn tăng, dù tốc độ chậm dần.

Thủ tục hành chính phức tạp còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố. Một hãng bánh kẹo tại TP HCM từng nêu thực tế, doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM muốn làm chương trình marketing ở Vũng Tàu hay Cần Thơ đều phải xin giấy phép đủ các địa phương. Tương tự, một doanh nghiệp thực phẩm đóng gói cho hay, quy trình xin thủ tục xây dựng nhà máy hiện mất 4-5 tháng nếu được các hiệp hội giúp đỡ, còn “tự bơi” có thể mất hàng năm.

“Thủ tục hành chính vẫn rườm rà, muốn xin giấy phép phải thông qua nhiều bộ ngành chứ không phải chỉ một đầu mối”, CEO doanh nghiệp này than thở.

Khối FDI cũng chung cảm nhận. Trong buổi đối thoại với lãnh đạo TP HCM hồi cuối tháng 1, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM Nobuyuki Matsumoto kể rằng rất nhiều doanh nghiệp “than phiền” với ông về việc mất cả năm để xin giấy phép đầu tư, còn thủ tục xây dựng, sửa chữa nhà xưởng cũng mất 6 tháng.

Tương tự, trong khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ba thách thức lớn nhất mà các thành viên nêu ra gồm: thủ tục hành chính phức tạp, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu và nguồn nhân lực thiếu hụt. Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kenneth Tse của Intel Products Việt Nam nhớ lại, khi Intel lần đầu vào đây, công ty từng được hưởng cơ chế “một cửa” – thủ tục nhanh gọn, tập trung. Tuy nhiên qua thời gian, các thủ tục phê duyệt đã thay đổi theo hướng ngày càng phức tạp, phân chia giữa nhiều bộ ngành khác nhau.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Nghị quyết 54 là bước đi đầu tiên của thành phố nhằm “cởi áo chật”, nhưng còn khá dè dặt. Khi đó, ai cũng hiểu phải trao cho đầu tàu kinh tế một cơ chế đặc thù vì đóng góp rất lớn vào ngân sách và GDP, trong khi lại vướng vô số điểm nghẽn – từ hạ tầng kém phát triển, nguồn lực tài chính thiếu thốn đến bất cập trong chính sách. Tuy nhiên, nghị quyết này chưa đủ mạnh, và quá trình triển khai gặp nhiều rào cản pháp lý.

“Rất nhiều chính sách khuyến khích được đưa ra nhưng hầu hết vẫn chỉ nằm trên giấy vì thực tế thực thi quá khó khăn. Một thủ tục vẫn phải hỏi ý kiến 5-7 cơ quan thì khó đi nhanh được”, bà Lan nói.

Năm 2023, TP HCM lần thứ hai đề xuất Trung ương kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù của Nghị quyết 54 thêm 5 năm. Trên cơ sở đó, Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành. Trong đó đề ra những chính sách cụ thể để giúp thành phố chuyển đổi kép thành công như lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, phát triển thị trường tín chỉ carbon, hình thành đô thị xanh kiểu mẫu tại Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ…

Bà Phạm Chi Lan lạc quan rằng Nghị quyết 98 và các chính sách mới sẽ được triển khai hiệu quả hơn khi bộ máy nhà nước được tinh gọn thành chính quyền hai cấp. Tình trạng một thủ tục phải đi xin ý kiến hàng loạt đơn vị Trung ương cũng sẽ được giải quyết. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thắng nói các điểm nghẽn thể chế đang dần được khắc phục với Nghị quyết 98. Sau một năm, thành phố đã ban hành 30 nghị quyết cụ thể hóa, tạo nền móng kêu gọi đầu tư và thúc đẩy phát triển.

Bất động sản khu Đông TP HCM, với các dự án chung cư, cao ốc, đất nền, nhà phố tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Dù bối cảnh nhiều thách thức, các chuyên gia chung nhận định TP HCM có nhiều “cửa sáng” từ các chính sách mới, góp phần cởi “chiếc áo chật” thể chế, tạo ra những thay đổi lớn và nhanh chóng trong nền công vụ lẫn địa giới hành chính.

TP HCM đang đứng trước bước ngoặt lớn về không gian phát triển, với dự kiến mở rộng địa giới hành chính theo hướng sáp nhập một số tỉnh lân cận. Đây không chỉ là sự điều chỉnh về địa lý, mà còn là “cú huých” chiến lược, mở ra cơ hội quy tụ nguồn lực và tái định hình vai trò của thành phố trong bản đồ kinh tế khu vực.

PGS TS Nguyễn Chí Hải, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, đánh giá việc mở rộng địa giới hành chính sẽ giúp tăng cường kết nối vùng, đặc biệt với khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy hạ tầng giao thông – logistics và mở rộng quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp. Đây sẽ là nền tảng để TP HCM giải bài toán thiếu hụt không gian và nguồn lực đã tồn tại nhiều năm.

Nhìn lại nửa thế kỷ phát triển từ tái thiết, vươn mình và hướng tới tương lai với hàng loạt dự án lớn của TP HCM, bà Phạm Chi Lan kỳ vọng ở đầu tàu không phải là tốc độ mà là chất lượng tăng trưởng – tức là khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn lực vật chất và trí tuệ.

“Tăng trưởng phải tạo nền tảng cho những năm về sau, chứ không chỉ chạy theo con số. Do đó, chúng ta phải đặt trọng tâm vào tính bền vững và sự bao trùm, đảm bảo mọi tầng lớp trong xã hội đều được hưởng lợi từ sự phát triển”, bà Lan nói.

Viễn Thông