Dấu ấn 30 năm Kiểm toán Nhà nước khu vực IV: Tăng minh bạch, thúc đẩy kinh tế trọng điểm

Dấu ấn 30 năm Kiểm toán Nhà nước khu vực IV: Tăng minh bạch, thúc đẩy kinh tế trọng điểm - Ảnh 1.

Kiểm toán viên tại hiện trường dự án đầu tư xây dựng – Ảnh: KTNN

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn cho biết từ khi thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiểm toán mới trở thành một trong những yêu cầu không thể thiếu nhằm “giúp hoàn thiện hơn công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

“Gác cửa” nền tài chính công

Là đơn vị chuyên phụ trách kiểm toán TP.HCM, Bình Dương, Long An và Tây Ninh (khu vực đóng góp 45% thu ngân sách và 32% GDP cả nước), thay vì dàn trải ở nhiều địa phương như giai đoạn đầu, KTNN khu vực phía Nam, KTNN IV, giữ vai trò “ngọn cờ” tiên phong khi bước vào cột mốc 30 năm thành lập và phát triển (19-5-1995 – 19-5-2025).

Có thể nói hoạt động kiểm toán của đơn vị đã tiến bộ cả về chiều rộng – số lượng và chiều sâu – chất lượng, hiệu quả cao hơn hàng trăm lần so với số ngân sách nhà nước (NSNN) phân bổ cho hoạt động của đơn vị này hàng năm.

Giữ vai trò kiểm toán trưởng, TS Nguyễn Hữu Phúc chia sẻ: “Với tôi, 30 năm là hành trình của biết bao thế hệ lãnh đạo và cán bộ KTNN khu vực IV đã dày công vun đắp, xây dựng nên một nền móng vững chắc. Một chặng đường đầy thử thách nhưng cũng nhiều vinh quang, khẳng định được vai trò và vị trí của KTNN khu vực IV trong bộ máy của KTNN đối với việc kiểm tra, giám sát tài chính, tài sản công”.

Để tăng tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan/đơn vị, KTNN khu vực IV đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng và dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát.

Cùng với sự lớn mạnh của KTNN, KTNN khu vực IV từng bước trở thành một trong những “lá cờ đầu” của ngành; tiên phong thực hiện kiểm toán đất đai, chống chuyển giá trốn thuế và một số loại hình kiểm toán mới, trong đó có kiểm toán hoạt động và môi trường; tham gia các đoàn kiểm toán về biến đổi khí hậu; thực hiện các cuộc kiểm toán theo đề nghị của WorldBank.

Đây đều là các cuộc kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm. Đơn vị cũng đồng hành sự phát triển địa phương, tập trung kiểm toán chuyên đề, hoạt động đối với lĩnh vực môi trường, chỉnh trang, phát triển hạ tầng, đô thị…

KTNN khu vực IV cũng là đơn vị kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

Nổi bật là các đề xuất hoàn thiện Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Bảo hiểm xã hội…

Nhờ vậy đơn vị khắc phục được yếu kém, bất cập trong quản lý ngân sách nhà nước, tài chính doanh nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý tài chính và tài sản công, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn ngành.

Dấu ấn 30 năm Kiểm toán Nhà nước khu vực IV: Tăng minh bạch, thúc đẩy kinh tế trọng điểm - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý vững chắc

Nhận thức tầm quan trọng của công nghệ thông tin, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ cho kiểm toán viên, tăng triển khai phần mềm chuyên ngành, số hóa 100% hồ sơ tài liệu và báo cáo kiểm toán.

Nhiều nhân sự còn đảm nhận giảng dạy tại Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, xây dựng chương trình giảng dạy và tài liệu ôn thi cho kỳ thi của KTNN, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với việc chú trọng nghiên cứu khoa học, xây dựng khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình tổ chức và hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán, nhiều công chức cũng tham gia xây dựng chương trình đào tạo của KTNN, Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CCAF)…

Tham gia viết bài tham luận hội thảo do KTNN tổ chức, góp ý dự án luật theo đề nghị của các đoàn đại biểu Quốc hội, tham gia đoàn giám sát của Quốc hội…

Trải qua 30 năm phát triển, KTNN khu vực IV khẳng định vị thế tiên phong, có năng lực và tầm ảnh hưởng trong quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công trên địa bàn được giao nhiệm vụ kiểm toán.

Những thành tựu đạt được cùng bài học kinh nghiệm tích lũy được chính là nền tảng vững chắc để tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

Trên cương vị người đứng đầu đơn vị, ông Phúc chia sẻ bên cạnh niềm vinh dự, ông cũng ý thức rất rõ trách nhiệm phải giữ gìn, phát huy thành tựu mà các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gây dựng. Trách nhiệm đó không chỉ là duy trì chất lượng kiểm toán, mà còn phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa từ tư duy đến hành động.

Đặc biệt, thực hiện tinh thần hoạt động hiệu quả theo phương châm “gọn nhưng chất lượng” của tổng KTNN.

Ông nhấn mạnh trong giai đoạn tiếp theo, đơn vị xác định sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo phương pháp kiểm toán thông qua tiếp cận, thu thập bằng chứng, đi đến tận cùng vấn đề để kết luận đúng, trúng.

Đồng thời chú trọng kiểm toán phòng – chống lãng phí, đôn đốc, kiểm tra kịp thời việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…

Nhiều thành tích nổi bật

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, KTNN khu vực IV nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Nổi bật gồm Huân chương Lao động hạng ba (năm 2005), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2010), Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2015), 3 lần Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và cờ thi đua của Chính phủ, nhiều năm được tổng KTNN tặng bằng khen và cờ thi đua của KTNN…