Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng với diện tích đất hoang hóa lớn như hiện nay, cần đánh thuế để tiết kiệm đất đai, tăng thu cho ngân sách.
Tại phiên thảo luận tổ ngày 22/5 về dự thảo Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế đất nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau nêu bất cập khi tồn tại lượng lớn diện tích đất hoang hóa tại các địa phương.
Ông dẫn ví dụ tại đồng bằng sông Cửu Long, có các khu được quy hoạch lên tới vài chục ha, nhưng sau khi giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân lại không được chủ đầu tư đưa vào sử dụng, để hoang hóa, trong khi người dân thiếu đất sản xuất.
“Rất nhiều dự án sau khi giải phóng mặt bằng vì lý do này khác không được đưa vào sử dụng. Đất bỏ hoang như vậy rất lãng phí. Với diện tích đất hoang hóa lớn, cơ quan quản lý nên tính toán đánh thuế để tiết kiệm đất đai, thêm nguồn lực cho ngân sách”, ông nói.
Đại biểu tỉnh Cà Mau cũng cho rằng các chủ đầu tư khi làm dự án cần tính toán kỹ nguồn lực, tránh dự án được duyệt, đưa vào quy hoạch, xong các khâu giải phóng mặt bằng lại không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí.

Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Tại cuộc họp về thị trường bất động sản tuần trước, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Xây dựng nghiên cứu đánh thuế với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai. Ông lưu ý việc này cần phân biệt rõ nhu cầu ở thực với đầu cơ, nhằm tránh tình trạng đánh thuế trùng, ảnh hưởng tới người dân sử dụng nhà đất hợp pháp.
Năm ngoái, đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm ban hành chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản. Nhiều địa phương hiện nay dư thừa các sản phẩm như shophouse, biệt thự không người ở. Trong khi đó, nhà ở bình dân, vừa túi tiền ngày càng khan hiếm, nhất là tại Hà Nội và TP HCM ghi nhận tình trạng lệch pha trên thị trường bất động sản trầm trọng.
Chủ trương tính thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang, đã được Trung ương nêu trong Nghị quyết 18, tháng 6/2022.
Cuối 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) từng cho biết nghiên cứu tính thuế người bỏ hoang đất hoặc sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức.
Cũng tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, tức tới 2030, để đảm bảo an ninh lương thực, tăng cạnh tranh của Việt Nam.
Góp ý tại tổ, ông Đinh Ngọc Minh, đại biểu chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng hiện cả nước có gần 12 triệu ha đất canh tác, trong đó 1,5 triệu ha của nông trường quốc doanh. Các nông trường này khoán lại cho người nông dân để canh tác, và người nhận khoán này vẫn phải nộp thuế thay cho nông trường theo quy định.
Vì thế, ông Minh cho rằng cần bổ sung nông dân nhận khoán đất nông trường vào nhóm được miễn thuế đất nông nghiệp lần này, bởi việc miễn này là cho người làm nông nghiệp.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2001-2010 trung bình khoảng 3.268 tỷ đồng một năm và tăng dần lên 7.500 tỷ đồng trong 3 năm gần đây. Vì thế, việc miễn thuế đất nông nghiệp, theo Chính phủ, khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị dự thảo nghị quyết cần nêu rõ thời hạn miễn thuế đến 31/12/2030 để minh bạch, tạo ổn định và chủ động cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài. Dự thảo nghị quyết cũng cần nêu rõ nguyên tắc kế thừa các điều kiện miễn thuế, tránh tạo khoảng trống chính sách hoặc cách hiểu không thống nhất khi áp dụng thực tế.
Bà cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện, gồm Bộ Tài chính trong hướng dẫn thi hành nghị quyết, phối hợp với các địa phương triển khai.
Anh Minh