Cựu sinh viên kiện Đại học Kinh tế quốc dân đòi bồi thường gần 44 tỉ đồng vì bị giữ bằng 25 năm

ĐH Kinh tế quốc dân - Ảnh 1.

Ông Dương Thế Hảo, cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân – Ảnh: THANH NAM

Sau nhiều lần hoãn, ngày 6-5 Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đơn khởi kiện của ông Dương Thế Hảo (66 tuổi, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) kiện Đại học Kinh tế quốc dân.

Người bị kiện là Trường đại học Kinh tế quốc dân, với đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hồng Chương (hiệu trưởng nhà trường). Nhà trường ủy quyền cho luật sư đại diện tham dự phiên tòa.

Đòi bồi thường 44 tỉ đồng

Trước phiên tòa, ông Hảo gửi đơn kiện Trường đại học Kinh tế quốc dân đòi bồi thường 36,7 tỉ đồng. Tuy nhiên tại phiên xử sáng 6-5, mức tiền đòi bồi thường ông đưa ra là gần 44 tỉ đồng vì bị nhà trường giữ bằng tốt nghiệp 25 năm, giữ hồ sơ giấy tờ 30 năm “gây nhiều tổn thất” cho ông cả về kinh tế và tinh thần.

Ông Hảo cho rằng việc Trường đại học Kinh tế quốc dân giữ bằng tốt nghiệp đã gây ra hàng loạt hậu quả, thiệt hại cho bản thân như ông không được làm các thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh và cho con học tại các trường công ở Hà Nội.

Ông còn không được tiếp cận công việc, mua nhà đất, không được hưởng ưu đãi của bộ đội phục viên, không có cơ hội thăng tiến.

Trong phần thẩm vấn sáng 6-5 tại tòa, ông Hảo liệt kê chi tiết các khoản yêu cầu nhà trường phải bồi thường, gồm mất thu nhập, gây tổn thất tinh thần, uy tín danh dự, mất cơ hội việc làm, mất cơ hội tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ…

Ngoài ra còn các khoản khác như mất quyền ứng cử, bầu cử, tham gia các tổ chức Đảng, chính quyền, quyền sở hữu và định đoạt các tài sản thiết yếu như ô tô, xe máy, nhà, đất; mất quyền tham gia thành lập và sở hữu, điều hành doanh nghiệp; chi phí liên quan đến gửi nuôi con, xin học, hàn gắn hôn nhân gia đình…

Khởi kiện vì bị Đại học Kinh tế quốc dân giữ bằng trong 25 năm

Theo trình bày của ông Hảo, năm 1977 ông nhập ngũ, phục vụ 4 năm tại Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không Không quân. Ra quân năm 1981, ông thi đậu khoa kinh tế của Trường đại học Kinh tế kế hoạch (tiền thân của Trường đại học Kinh tế quốc dân ngày nay), khóa năm 1984.

Năm 1989, ông hoàn thành thi tốt nghiệp với tất cả các môn, nhận được giấy xác nhận đã thi tốt nghiệp và đợi cấp bằng.

Sau khi hoàn thành khóa học năm 1989, ông Hảo không nhận được bằng tốt nghiệp và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng.

Ông từng là phó giám đốc một hợp tác xã công nghiệp và ứng cử làm quyền giám đốc một doanh nghiệp khác. Do không có bằng tốt nghiệp đại học nộp cho công ty, ông không thể tiếp tục đảm nhận chức vụ.

“Trước khi khởi kiện, ông có động thái gì với trường?”, chủ tọa đặt vấn đề.

“Nói thật, giờ nhắc lại tôi thấy nản. Tôi đã đi lại rất nhiều, tần suất dày đặc đến trường liên hệ với người có chức vụ và quyền hạn. Năm nào tôi cũng đến trường nhiều lần để hỏi, vì công ty cũng thúc giục chuyện bằng cấp, nhưng không có kết quả”, ông Hảo giãi bày.

Tiếp tục trình bày, ông Hảo cho biết vì bị trường giữ hồ sơ giấy tờ gốc trong 30 năm nên rơi vào cảnh sống như “người vô gia cư”, không chứng minh thư, hộ chiếu, không thể xuất ngoại, không mua bán tài sản nhà đất, có tiền để thành lập doanh nghiệp nhưng không thể đứng tên”.

Theo lời ông Hảo trình bày tại tòa, cuộc sống của ông gặp “nhiều bấp bênh” khi lấy vợ mà không làm được giấy đăng kết hôn, không thể làm tạm trú. Hai con sinh ra cũng không thể làm giấy khai sinh ở Hà Nội, không được đi học trường công ở Hà Nội.

“Tôi đã mở không biết bao nhiêu lần cánh cửa của tôi ra để mong muốn được ngồi đàm phán với nhau. Anh em bạn bè tôi ở trường nhiều vô cùng, nên việc phải kiện ra tòa là bất đắc dĩ”, ông Hảo phân trần.

Theo ông Hảo, vì bị giữ bằng tốt nghiệp, ông đã có đơn khởi kiện ra tòa. Sau 3 phiên hòa giải, nhà trường mới trả bằng tốt nghiệp kèm theo hồ sơ, giấy tờ cá nhân cho ông vào năm 2019.

“Hồ sơ nhà trường trả lại cho tôi gồm có bằng tốt nghiệp, bằng cấp 3, giấy khai sinh… bản chính và là bản duy nhất”, ông Hảo trình bày.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục phần thẩm vấn.

Trước đó, trả lời trên báo chí, đại diện trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định “không giữ bằng và giấy tờ gốc của ông Dương Thế Hảo như ông phản ánh”.

Về việc ông Hảo đang khởi kiện, trả lời báo chí đại diện nhà trường khẳng định quan điểm của trường là mọi việc phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Trường tôn trọng quyền được khởi kiện của các cá nhân đối với bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào theo đúng quy định của pháp luật.