Cuộc giao nhận thùng tiền 20 tỷ đồng với cựu cán bộ TAND Tối cao

Lê Nam, cựu cán bộ TAND Tối cao, nói có khả năng “giải quyết vụ kiện nhanh” với giá 26 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ tiền mặt được giao trong hai thùng carton, VKS cáo buộc.

Lê Nam, 36 tuổi, là bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được TAND Hà Nội mở phiên tòa hôm 8/7. Hai đồng phạm Nguyễn Thị Hạnh, 43 tuổi và Nguyễn Việt Anh, 54 tuổi, đều trú tại Hà Nội.

Vụ lừa đảo xuất phát sau sự việc Công ty CP Tân Tân vay ngân hàng 106 tỷ đồng song mất khả năng thanh toán. Ngân hàng kiện Tân Tân, yêu cầu bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp.

Tháng 12/2017, ngân hàng bán khoản nợ này cho Công ty TNHH Tân Hưng Phát do bà Nguyễn Thị Xuân Hồng làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc.

Biết bà Hồng cần nhờ người tác động giải quyết nhanh vụ kiện để lấy tài sản về, Việt Anh nói dối quen nhiều lãnh đạo cấp cao có thể giải quyết được. Bị cáo yêu cầu bà Hồng chuyển 5 tỷ đồng để đi quan hệ.

Tháng 12/2021, Việt Anh nói tìm được mối quan hệ “sân sau” của các lãnh đạo cao cấp và giới thiệu bà Hồng ra Hà Nội gặp vợ chồng doanh nhân Nguyễn Đình Nghĩa.

Hai tuần cuối năm 2021, bà Hồng chuyển cho vợ chồng Nghĩa tổng 48 tỷ đồng. Nhận tiền, vợ chồng doanh nhân liên hệ với bà Hạnh.

Bà Hạnh lại liên hệ với người tên Mã Hiểu Thiên và được hứa hẹn tìm mối quan hệ giúp xử lý với chi phí 10 tỷ đồng.

Thiên kết nối bà Hạnh gặp người tên Đỗ Văn Chiến, giới thiệu đang công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Thiên và Chiến cam kết sẽ giải quyết xong trong 2 tuần, chậm nhất là 2 tháng sẽ có “kết quả có lợi” cho công ty bà Hồng.

Bà Hạnh nói lại việc này cho vợ chồng doanh nhân Nghĩa và được họ chuyển 10 tỷ đồng. Song bà Hạnh chỉ chuyển 4 tỷ đồng cho Thiên, Chiến và giao hẹn nếu được việc sẽ chuyển nốt.

Ông Chiến sau đó đưa bà Hạnh vào TP HCM để đàm phán với luật sư đại diện Công ty Tân Tân nhưng không đạt kết quả.

Do không thực hiện được công việc, ông Chiến trả bà Hạnh một tỷ đồng, nói 500 triệu đồng đã mua quà đi quan hệ. Bà Hạnh đòi Thiên trả 2,5 tỷ đồng nhưng không được.

Lái ôtô đến cửa công ty nhận hai thùng tiền

Để giải quyết tiếp việc, bà Hạnh đã liên hệ và được giới thiệu với bị cáo Lê Nam, khi đó là cán bộ Tòa án nhân dân Tối cao.

Nam nói giải quyết được, “sẽ xử cho Tân Tân thắng kiện, nếu muốn giải quyết thì phải xử lý ngay” và yêu cầu chuyển 11 tỷ đồng.

Bà Hạnh truyền đạt với vợ chồng doanh nhân Nghĩa chuyển tiền. Nhưng cũng như lần trước, bà này chỉ đưa Nam 6 tỷ đồng, nói được việc sẽ đưa nốt. Thực tế bà giữ lại 5 tỷ đồng chi tiêu cá nhân, cáo trạng nêu.

Nam sau đó nói muốn xong việc phải thêm 20 tỷ đồng nữa và được bà Hạnh dặn đến thẳng công ty của vợ chồng Nghĩa tại Cầu Giấy, Hà Nội lấy.

Cáo trạng nêu, vợ chồng doanh nhân Nghĩa đã nhờ 3 nhân viên hỗ trợ đếm tiền, bỏ 20 tỷ đồng vào hai thùng bìa carton và bê từ văn phòng xuống ôtô của Nam chờ sẵn trước sảnh tòa nhà, để vào ghế sau.

Tháng 7/2022, Nam đòi bà Hạnh chuyển nốt 5 tỷ đồng còn thiếu. Nhưng tiền đã tiêu hết, bà Hạnh nhượng 2 thửa đất cho Nam để bù. Đầu năm 2023, biết Nam không giải quyết được công việc, bà Hạnh nhiều lần yêu cầu trả lại tiền nhưng bị từ chối.

Tháng 8/2023, sự việc được bà Hồng tố giác tới công an.

Sau khi bị cơ quan điều tra triệu tập, Nam gọi điện thoại cho bà Hạnh hướng dẫn “nhận tội một mình”, không khai ra anh ta. Nam nói sẽ ở bên ngoài “lo công việc và chăm sóc con cho” và hướng dẫn thay hết sim điện thoại. Từ đây, hai người chỉ liên lạc bằng sim rác.

Tại cơ quan điều tra, bà Hạnh thừa nhận hành vi. Nam phủ nhận việc cầm tiền với hứa hẹn giúp giải quyết tranh chấp thương mại của công ty bà Hồng.

Song qua các băng ghi âm được phía bị hại giao nộp, cơ quan điều tra xác định có việc nói sẽ trả lại tiền cho bà Hồng nếu giải quyết bất thành. Ngoài ra, các file ghi âm còn thể hiện việc Nam trao đổi thống nhất lời khai với bà Hạnh.

Hai nhân viên trực tiếp bê hai thùng tiền được công an cho nhận dạng, xác định Nam chính là người lái ôtô. Số tiền 20 tỷ đồng gồm 8 cọc mệnh giá 200.000 đồng, 36 cọc mệnh giá 500.000 đồng, và 8 thếp mệnh giá 500.000 đồng. Toàn bộ quá trình đếm tiền, đóng hộp và mang ra xe, đã được công an cho những người liên quan tiến hành thực nghiệm.

Quá trình điều tra, vợ Nam đã giao nộp 18 tỷ đồng.

Việt Anh không thừa nhận các cáo buộc. Qua các ghi âm trao đổi do bà Hồng giao nộp, VKS xác định Việt Anh có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt 10 tỷ đồng của bà Hồng.

Mã Hiểu Thiên được cơ quan điều tra triệu tập nhiều lần nhưng không đến, không có mặt tại nơi cư trú, đã bán nhà và cùng gia đình chuyển đi nơi khác. Đến nay, cơ quan điều tra chưa triệu tập, ghi được lời khai. Mặt khác, ông Chiến khẳng định không quen biết Hạnh, Thiên, không nhận tiền hay giúp việc gì. Cơ quan điều tra vì thế tách tài liệu liên quan đến hành vi của Thiên, Chiến để tiếp tục xác minh.

Với vợ chồng doanh nhân Nghĩa, VKS xác định họ đã tiếp nhận thông tin gian dối từ bà Hạnh và Nam để truyền đạt lại cho bà Hồng và được tin tưởng giao tiền. Họ không hưởng lợi gì, không cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên không bị xử lý.

Do có tình tiết phát sinh trong quá trình xét xử, vụ án được TAND Hà Nội trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

Thanh Lam