Công ty chứng khoán giảm mạnh nhân sự, tăng đầu tư công nghệ

chứng khoán - Ảnh 1.

Nhiều công ty chứng khoán giảm mạnh nhân sự, thay vào đó đầu tư cho công nghệ – Ảnh: AI

VPS là công ty chứng khoán duy trì vị trí số 1 thị phần môi giới liên tục 17 quý. Song từ năm ngoái, thị phần này có xu hướng suy giảm.

Nhân sự nhiều ông lớn ngày một “co” lại

Mấy năm trước, cách VPS chiếm thị phần là gia tăng mạnh mẽ lượng môi giới. Nhưng nếu 2021 hãng có 2.509 người (chưa kể đội ngũ cộng tác viên đông đảo) thì đến cuối năm 2024 tổng nhân sự VPS còn 1.738 người, giảm gần 800 người sau 3 năm.

Nhiều công ty chứng khoán lớn cũng thu hẹp nhân sự. Như ở VNDirect, tổng số nhân viên cuối quý 1-2025 còn 1.018 người, giảm gần 520 người so với cuối 2022.

SSI cũng giảm gần 150 người chỉ sau 3 tháng đầu năm nay, còn 1.406 nhân viên vào cuối tháng 3-2025. Nếu so với cách đây hơn 2 năm, mức giảm lên tới gần 200 người.

Thậm chí có những nơi buộc phải thay đổi mô hình hoạt động khiến số nhân sự vơi tới một nửa. Như Chứng khoán Tân Việt đầu năm 2022 có 526 người, đến cuối tháng 3 năm nay còn 215 người, giảm gần 60%.

“Không phải tới giờ chúng tôi mới tinh gọn bộ máy. Sự phát triển mạnh của số hóa, kết quả kinh doanh ngày càng khó khăn khiến áp lực cải cách rất lớn”, phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở Hà Nội nói.

Trong khi đó, trưởng phòng một công ty chứng khoán ở TP.HCM cho biết đã “cắt” mạnh đội ngũ cộng tác viên môi giới. Thay vào đó, phòng tư vấn, phụ trách làm sản phẩm cho khách hàng chỉ còn… 5 người nhưng khai thác tốt dữ liệu, công nghệ.

Công nghệ đang định hình cuộc chơi

Ngược với sự hao hụt thị phần của những “ông lớn” là sự tăng trưởng đáng nể của một số công ty chứng khoán được “hậu thuẫn” về vốn, “nổi” về công nghệ.

Như TCBS – một công ty từng gây chú ý khi tuyên bố sử dụng công nghệ thay thế cho các hoạt động môi giới – đã từ top 6 thị phần với 5,12% năm 2022 vọt lên top 3 với 7,18% năm 2024. Không cần tới hàng nghìn nhân sự, cuối quý 1 năm nay, TCBS có tổng 538 nhân viên.

Trong khi đó, DNSE – một công ty chứng khoán công nghệ từ 9,98% thị phần ở quý 4-2024, tới quý 1-2025 đã phát triển thêm gần 7%, chỉ đứng sau top 1 là VPS. Tại thời điểm cuối tháng 3 năm nay, tổng nhân sự của DNSE chỉ khoảng 245 người. Nhưng bộ phận chiếm tỉ lệ lớn của DNSE lại là phòng công nghệ, đội ngũ phát triển sáng tạo sản phẩm trên mạng xã hội.

Theo đại diện DNSE, bộ phận dễ bị AI thay thế ở công ty này là bộ phận thực hiện các công việc hành chính, kế toán, chăm sóc khách hàng và tư vấn đầu tư. “Tư vấn đầu tư chúng tôi đã có “nhân viên” AI chat mang tên Ensa”, đại diện DNSE nói.

Ensa là sự kết hợp giữa AI và hệ thống dữ liệu chứng khoán. Hiệu quả thấy rõ khi môi giới truyền thống chỉ có thể phục vụ vài chục nhà đầu tư một lúc, các trợ lý chứng khoán ảo có thể phục vụ hàng nghìn khách cùng thời điểm. Thậm chí, ông Nguyễn Phúc Nguyên – giám đốc công nghệ thông tin Chứng khoán Bảo Việt – cho hay hãng còn đầu tư vào AI để “tư vấn”, nâng cấp chính đội ngũ phân tích của công ty.

Những cái AI khó “đọ”… với con người

Ông Trương Hiền Phương – giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam – cho biết bất kỳ công việc nào có nhiệm vụ lặp đi lặp lại đều có nguy cơ mất việc vì AI.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng tư vấn đầu tư chứng khoán cần độ nhạy cảm và sự phán đoán, mà nhân lực “chạy bằng cơm” đang tỏ ra lợi thế hơn. Thêm nữa, AI không có cảm xúc, không nắm được tâm lý khách.

Cũng theo ông Phương, khách hàng có tài sản ròng lớn, có thể vài trăm tỉ đồng, và là những người lớn tuổi hoặc bận rộn, nên họ vẫn cần các tư vấn viên.

Vị này tiết lộ nghề môi giới hiện vẫn đem lại mức thu nhập khá tốt nếu quản lý lượng khách lớn. Với chế độ hoa hồng tỉ lệ 50 – 60%, thậm chí cao hơn, lượng môi giới kiếm được vài trăm triệu đồng/tháng không ít.

Bão sa thải 'quét' ngành chứng khoán - Ảnh 2.Ngân hàng mạnh tay giảm nhân sự thời số hóa

Làn sóng cắt giảm nhân sự tại các ngân hàng tiếp tục gia tăng trong quý 1-2025, nối dài xu hướng từ năm trước. Nhiều nhà băng ghi nhận lượng lao động giảm tới hàng nghìn người khi quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh.