Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương hoàn thành việc bố trí vị trí việc làm và xếp ngạch lương tương ứng với công chức trước ngày 1/7/2027.
Kế hoạch triển khai Luật Cán bộ, công chức năm 2025 được ban hành ngày 22/7, giao trách nhiệm cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập nhưng không phải đơn vị sự nghiệp công lập, cùng chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nội dung này. UBND cấp xã cũng phải hoàn thành việc bố trí vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng đối với công chức cấp xã được tuyển dụng trước thời điểm Luật có hiệu lực, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện về trình độ.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo ba nghị định gồm: quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức (hoàn thành trước ngày 1/1/2026); quy định về vị trí việc làm công chức (hoàn thành trong năm 2026); và quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước (hoàn thành trước ngày 31/12/2025). Đồng thời, các cơ quan cần rà soát, cập nhật thường xuyên dữ liệu cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức.

Ông Đỗ Thanh Hà, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội chi nhánh số 3 hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công. Ảnh: Trọng Đạt
Hiện công chức vẫn được trả lương theo hệ số nhân với mức lương cơ sở, từ tháng 7/2024 là 2,34 triệu đồng/tháng. Theo cách tính này, mức lương thấp nhất của công chức khoảng 3,1 triệu đồng/tháng và cao nhất khoảng 23,4 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phụ cấp.
Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương đặt mục tiêu áp dụng chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2021, trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều yếu tố bất lợi, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương buộc phải lùi lại.
Quốc hội sau đó quyết định cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng, áp dụng từ 1/7/2024. Song quá trình thực hiện có nhiều bất cập phát sinh, các cơ quan phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên mức lương cơ sở và hệ số lương chưa thể bãi bỏ.
Thay vì áp dụng ngay cơ chế trả lương mới, Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua việc tăng 30% lương cơ sở, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 7/2024. Đây được xem là bước đệm trong quá trình cải cách chính sách tiền lương. Bộ Nội vụ cho biết sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền đẩy nhanh lộ trình cải cách, hướng tới việc trả lương gắn với vị trí việc làm và kết quả đầu ra. Chính sách tiền lương mới sẽ tham chiếu theo mức thu nhập của khu vực tư cho các vị trí tương đương, nhằm bảo đảm đời sống cho công chức, hạn chế tiêu cực, chảy máu chất xám, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để thu hút nhân tài.
Vũ Tuân