Nghị quyết 98 với 44 cơ chế, chính sách đặc thù nên tiếp tục thực hiện cho TP HCM sau khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân.
Nội dung được PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với UBND thành phố về tình hình kinh tế, xã hội và thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 57, chiều 24/4.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân phát biểu tại buổi làm việc, chiều 24/4. Ảnh: An Phương
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sáp nhập TP HCM để thành lập TP HCM mới. Theo ông Ngân, để chuẩn bị cho việc sáp nhập này các địa phương đã cùng ngồi lại với nhau để triển cho các công việc sắp tới. Ba tỉnh thành đều mong muốn Nghị quyết 98 tiếp tục thực hiện cho TP HCM sau sắp xếp.
Nghị quyết 98 hiệu lực ngày 1/8/2023, thay thế Nghị quyết 54, cho phép thành phố 44 cơ chế, chính sách đặc thù nhiều lĩnh vực như đầu tư hạ tầng, tài chính ngân sách, xây dựng – quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tổ chức bộ máy…
Ông Ngân cho biết kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ điều chỉnh hàng loạt luật để phục vụ việc sáp nhập, tinh gọn. Trong quá trình này, nếu nghị quyết về cơ chế đặc thù không bị dừng sẽ giúp các chính sách đang thực hiện không bị ảnh hưởng mà còn lan tỏa.
Ví dụ trên địa bàn Bình Dương có thể áp dụng Nghị quyết 98 để triển khai dự án PPP trên tuyến đường hiện hữu, ứng dụng TOD khi làm metro. Đặc biệt, với địa bàn rộng lớn, khối lượng công việc nhiều, cán bộ ở các địa bàn đều sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm, tạo động lực để họ cố gắng trong giai đoạn có nhiều thách thức.
“Mong muốn cơ chế đặc thù sẽ được giữ ở một số địa phương khác sau sáp nhập để công việc đang thực hiện không bị đứt gãy”, ông Ngân nói.
TP HCM sau sắp xếp rộng hơn 6.772 km2, hơn 13,7 triệu người, 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Thành phố sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn khi đóng góp gần 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Khu vực trung tâm thành phố nằm bên sông Sài Gòn, tháng 8/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Tại buổi làm việc, các đại biểu của Đoàn Quốc hội TP HCM cũng cho rằng nếu Nghị quyết 98 tiếp tục thực hiện có thể điều chỉnh một số điều khoản ví dụ quy định bộ máy chính quyền TP Thủ Đức do đã bỏ cấp huyện; số lượng cán bộ xã, phường, thị trấn vì đã theo tiêu chí mới…
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị tại kỳ họp tới các đại biểu của Đoàn TP HCM đề xuất Quốc hội điều chỉnh điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết 98.
Cụ thể quy định trên buộc nhà đầu tư chiến lược giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên với dự án vốn lớn, thời gian giải ngân ngắn sẽ không đảm bảo tiến độ và tạo áp lực lên nhà đầu tư, theo ông Dũng.
Báo cáo của UBND TP HCM dẫn chứng dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng mức đầu tư hơn 113.500 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), phân kỳ đầu tư thành 7 giai đoạn với thời gian thực hiện trong 22 năm (15-19 cầu cảng và 4 bến sà lan). Giai đoạn 1 đến năm 2030, đầu tư xây dựng 2-4 cầu cảng và 2 bến sà lan với kinh phí 38.500 tỷ đồng.
Khi đăng ký triển khai dự án, liên danh đầu tư đã nghiên cứu để phân kỳ đầu tư phù hợp mang lại hiệu quả và chỉ cam kết trong 5 năm sẽ hoàn tất việc đầu tư giai đoạn 1 và 2 (gồm 4 bến cảng có tổng mức đầu tư hơn 34.400 tỷ đồng). Việc yêu cầu nhà đầu tư hoàn tất giải ngân toàn bộ vốn phát triển dự án trong 5 năm sẽ phá vỡ phương án tài chính trước đó.
Lê Tuyết