Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết theo luật mới, cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, truyền thông, pháp lý có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Văn phòng Chủ tịch nước chiều 11/7 tổ chức họp báo công bố luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình được tuyển chọn từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ, ban, ngành, địa phương.
Diện tham gia gồm: Lực lượng vũ trang sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an; lực lượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.
Điểm mới quan trọng của luật là mở rộng cho lực lượng dân sự. Tướng Chiến cho biết cán bộ, chuyên gia thuộc ngành nghề liên quan đến giao thông, y tế, giáo dục, truyền thông, pháp lý có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, họ phải đáp ứng các tiêu chí của Liên Hợp Quốc và sự chuẩn bị của Việt Nam.
“Hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam không thiếu, hành lang pháp lý đã được mở ra để tới đây sẽ triển khai. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đa dạng hóa hình thức, đối tượng, loại hình tham gia các địa bàn phái bộ”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam trong một buổi diễn tập cứu hộ. Ảnh: Giang Huy
Họ cũng được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về gìn giữ hòa bình, chuyên môn nghiệp vụ, huấn luyện tiền triển khai theo chương trình của Liên Hợp Quốc; được đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, bình đẳng giới và các kỹ năng khác; tham gia các khóa tập huấn gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng, luật đã đề cao hơn đóng góp của lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù, ở các vị trí khó khăn, gian khổ, xa Tổ quốc, có nhiều rủi ro. Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Công an đã xây dựng Thông tư 32 để đảm bảo các chế độ, chính sách cơ bản, có yếu tố đặc thù, thu hút vượt trội so với lực lượng làm trong nước.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết đã họp với các cơ quan và triển khai cho các đơn vị phối hợp với bộ, ban, ngành xây dựng nghị định đảm bảo các chế độ, tiêu chuẩn cho lực lượng phù hợp với điều kiện, thực tế của Việt Nam.
Đến thời điểm Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc có hiệu lực (1/1/2026), nghị định quy định về chế độ, chính sách sẽ được Chính phủ ban hành.
Trong 11 năm qua, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã cử hơn 1.100 cán bộ, nhân viên tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc theo hai loại hình cá nhân, đơn vị đến các phái bộ. Các cá nhân đảm nhiệm vị trí quan sát viên, làm nhiệm vụ hậu cần, y tế, tham gia các vấn đề an sinh xã hội. Đơn vị gồm các bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh. Tới đây, Bộ Công an sẽ cử lực lượng cảnh sát tham gia lực lượng cảnh sát của Liên Hợp Quốc.
Sơn Hà