Chứng khoán dứt mạch tăng

Sau 4 phiên tích lũy liên tục, chứng khoán chiều chịu áp lực bán cuối ngày, đẩy VN-Index đóng cửa giảm gần 3 điểm với thanh khoản bùng nổ.

Chứng khoán mở cửa khá tiêu cực khi khoảng một nửa cổ phiếu trên sàn HoSE giảm giá khiến chỉ số chung đi dưới tham chiếu. Tuy nhiên lực cầu nhanh chóng xuất hiện giúp thị trường lấy lại sắc xanh nhưng không tăng quá mạnh. Trước giờ nghỉ trưa, VN-Index tiến lên vượt đỉnh mới trong năm là hơn 1.392 điểm.

Sang buổi chiều, chỉ số của sàn HoSE tiếp tục giữ vùng giá trên nhưng sớm hạ độ cao khi lực bán dâng lên. Trước khi vào phiên ATC, thị trường bị nhuộm đỏ, có lúc về dưới tham chiếu khoảng 7,5 điểm.

Cải thiện nhẹ vào cuối phiên, VN-Index đóng cửa sát 1.382 điểm, điều chỉnh gần 3 điểm so với hôm qua. Đây là diễn biến đảo chiều sau 4 phiên, thị trường tích lũy liên tiếp.

Chênh lệch giữa số lượng cổ phiếu tăng và giảm không quá lớn, lần lượt là 146 và 168 mã. Sàn HoSE vẫn có 7 cổ phiếu tím trần, nổi bật có VSC với thanh khoản gần 415 tỷ đồng, còn lại đều là các mã giao dịch lẻ tẻ.

Xét theo ngành, nhóm hóa chất, đồ dùng cá nhân – đồ gia dụng, du lịch – giải trí và bất động sản có diễn biến tiêu cực nhất hôm nay. Trong đó, cổ phiếu bất động sản được giao dịch khá sôi động với sắc đỏ chiếm phần lớn nhưng biên độ điều chỉnh không quá sâu. Các mã CEO, IDC, KBC, NVL, VIC, TCH… chủ yếu giảm quanh 1-2%.

Tuy nhiên, nhóm bất động sản khu công nghiệp lại chịu áp lực bán khá lớn khiến thị giá giảm sâu từ 5% cho đến gần sát mốc 7% như SZC, SIP, VGC, NTC, LHG. Ngay cả GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng sụt 5,3% và trở thành mã góp mức giảm nhiều nhất cho VN-Index hôm nay.

Ở chiều ngược lại, nhóm cảng biển, ôtô – linh kiện phụ tùng và bán lẻ có diễn biến khá tích cực. Ngoài VSC tăng kịch trần, ngành cảng biển còn ghi nhận HAH hay VOS tích lũy thêm thị giá. Hai đại diện nhóm bán lẻ MWG và FRT giữ sắc xanh dù DGW cùng ngành lại giảm điểm.

Nhìn chung, sự phân hóa của thị trường hôm nay phản ánh tâm lý của nhà đầu tư sau thông tin về cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế đối ứng giữa hai nước.

Thị trường điều chỉnh gần 3 điểm với thanh khoản dâng lên vượt 33.000 tỷ đồng. Mức này cao hơn phiên trước 47% và trở thành phiên có giá trị giao dịch cao nhất kể từ cuối tháng 4, tức hơn hai tháng qua.

Điểm sáng lớn nhất trong phiên hôm nay là khối ngoại mua ròng mạnh nhất từ đầu năm với 2.276 tỷ đồng trên sàn HoSE. Nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh SSI (hơn 432 tỷ), MWG (hơn 294 tỷ) cùng các mã CTG, HCM, VCI và DGC.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Maybank (MSVN) cho rằng cuộc đàm phán mang về kết quả tích cực đối với Việt Nam và loại bỏ một nguồn bất định lớn với cả nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tâm lý thị trường sẽ dần được cải thiện khi các chi tiết cụ thể về áp dụng thuế được làm rõ. Cổ phiếu Nike đã tăng 4% trong đêm qua, phản ánh sự tin tưởng vào chuỗi cung ứng đặt tại Việt Nam (50% sản lượng giày và 30% sản lượng may mặc của Nike được sản xuất tại Việt Nam).

MSVN tiếp tục ưu tiên các cổ phiếu có chia cổ tức và các chủ đề đầu tư được hỗ trợ bởi nhu cầu cơ cấu động lực tăng trưởng kinh tế (công nghệ thông tin, logistics, hàng không) và các gói kích thích từ chính phủ (bất động sản, tiêu dùng, thép).

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đánh giá Việt Nam đã đạt được kết quả đàm phán tích cực, đem đến tâm lý kỳ vọng cho toàn bộ thị trường chứng khoán. Với mức thuế đã công bố, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn được kỳ vọng tiếp tục thích nghi, duy trì khả năng hoạt động, tăng trưởng lợi nhuận và đảm bảo sức cạnh tranh với các quốc gia khác nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng trọng yếu như dệt may, gỗ, thủy sản… và các ngành thu hút dòng tiền FDI.

Từ đó, VCBS kỳ vọng có thể gián tiếp hỗ trợ các nhóm ngành tài chính như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong khía cạnh tránh nợ xấu và lưu thông dòng vốn.

Tất Đạt