
Thị trường chứng khoán liên tiếp bị điều chỉnh – Ảnh: AI vẽ
VN-Index tiếp đà giảm điểm ngay khi mở cửa phiên sáng 22-4. Áp lực bán tăng mạnh, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu hơn về cuối phiên sáng.
Nhưng nếu khép phiên sáng, VN-Index giảm 18 điểm, sang tới phiên chiều lực bán chủ động gia tăng mạnh khiến thị trường “mất” nhiều hơn.
Sau giờ nghỉ trưa, tâm lý thị trường có phần kém tích cực hơn. Lúc gần 13h30, chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM mất 69 điểm, về dưới 1.140 điểm khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng.
Nhờ lực mua cổ phiếu ở vùng giá thấp, phần nào “gỡ” lại điểm số. Cập nhật lúc gần 14h, chỉ số sàn HoSE thu hẹp đà rơi, mất gần 50 điểm, nhưng vẫn lùi sâu về mốc 1.160 điểm. Trong khi VN30 lùi về vùng 1.250 điểm, sau khi mất 44 điểm.
Sắc đỏ phủ kín các sàn. Trong đó HoSE ghi nhận gần 490 mã giảm điểm, hiếm hoi hơn 40 mã còn giữ được sắc xanh. Nếu tính cả UpCOM và HNX, tổng số mã giảm điểm lên tới gần 700, chưa kể còn 80 mã “nằm sàn”.
Áp lực điều chỉnh bao trùm ở hầu hết các ngành, trong đó nhóm tổ chức tín dụng giảm 3%, nhóm chứng khoán (-5,4%), bất động sản (-3,2%)… Trong đó bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, công nghệ là những nhóm mạnh nhất.
Điểm tích cực là lực bán giảm về cuối phiên. Thị trường sau nhịp giảm sâu, lại được cân bằng trở lại với lượng tiền “bắt đáy”.
VN-Index chỉ còn mất khoảng 18 điểm, nhiều cổ phiếu chuyển dần về màu xanh tạo nên sức kéo thị trường như MBB (+0,44%), HCM (+,08%), VHM (+1,8%), STB (+0,49%), HPG (+0,2%)…
Số lượng mã mất hết biên độ chỉ còn 38. MWG là cổ phiếu duy nhất giữ phong độ xuyên suốt cả phiên với mức tăng hơn 3%. Tương tự, HVN của Vietnam Airlines từ sát giá sàn tăng vọt trở lại (+4,6%)…
Về xu hướng dòng tiền, sau khi mua ròng phiên hôm qua, khối ngoại lại quay trở lại bán ròng tiếp hôm nay với 250 tỉ đồng. FPT, KBC, VNM, VHM, MSN… là top 5 mã bị khối ngoại “xả” ròng mạnh nhất.
Thanh khoản phiên hôm nay cũng tăng mạnh theo lực bán. Tổng giá trị giao dịch cả ba sàn đạt gần 34.000 tỉ đồng trước khi hết phiên khoảng nửa tiếng đồng hồ.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và việc ông Trump liên tiếp chỉ trích chủ tịch Fed khiến giá vàng, chứng khoán Mỹ biến động mạnh phiên đầu tuần.
Trong khi S&P 500 mất 2,36% và Nasdaq Composite giảm 2,55% thì giá vàng thế giới đã có thời điểm áp sát mức 3.500 USD/ounce.
Mức tăng của giá vàng vượt ngoài tất cả dự đoán của các tổ chức lớn trên thế giới. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương gần 110 triệu đồng/lượng.
Trong nước, các thương hiệu kinh doanh vàng đồng loạt tăng giá bán lên mức cao nhất mọi thời đại. Như SJC nâng giá bán vàng miếng SJC lên 122,5 triệu đồng/lượng và giá mua vào lên 120,5 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn 9999 cũng tăng vọt.
Còn giá vàng nhẫn 9999 tại Công ty SJC bán ra ở mức 119,6 triệu đồng/lượng, mua vào tăng lên 116,5 triệu đồng/lượng, tăng 3,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán và 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua.
Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục cập nhật…