Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết sẽ tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo nhằm đảm bảo mức sống để họ yên tâm công tác.
Tại họp báo công bố Luật Nhà giáo sáng 11/7, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Quốc hội đã quy định “lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Quốc hội đồng thời giao Chính phủ quy định về chính sách tiền lương giáo viên.
“Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh tiền lương giáo viên, đảm bảo xếp cao nhất”, ông Thưởng nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút với nhà giáo để đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực. Trong đó, Chính phủ sẽ xếp lại bảng lương một số chức danh nhà giáo như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV. Mức lương mới sẽ đảm bảo mức sống của nhà giáo, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Ngoài ra, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, thâm niên, lưu động, giáo dục hòa nhập…

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời tại họp báo sáng 11/7. Ảnh: Nguyên Phong
Với giáo viên ký hợp đồng, ông Thưởng cho rằng quy định “lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” sẽ là căn cứ để tính lương theo thỏa thuận, đảm bảo quyền lợi, giúp họ có thu nhập tương xứng với công sức.
Hiện nay, lương giáo viên ký hợp đồng theo thỏa thuận thường chỉ được 60-70% mức lương giáo viên chính thức, nhưng họ vẫn phải soạn giáo án, bài giảng, đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Trước băn khoăn việc tăng lương giáo viên có làm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm hay không, ông Thưởng khẳng định lại quan điểm “không cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm nếu tổ chức tràn lan, không đúng quy định”. Giáo viên không được dạy thêm với học sinh mình trực tiếp dạy trên lớp.
Vấn đề thu nhập chỉ là một trong những lý do để giáo viên tham gia dạy thêm, bởi có nhiều thầy cô dạy thêm không thu tiền hoặc chỉ thu tiền tượng trưng. “Vậy nên vấn đề là quản lý dạy thêm đúng quy định. Giáo viên cần dạy thêm minh bạch, đàng hoàng, không để mang tiếng dùng các biện pháp này khác ép buộc học sinh”, ông Thưởng chia sẻ.
Sáng 16/6, Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo, quy định nhà giáo được xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Họ cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các khoản phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc và điều kiện vùng miền, theo quy định pháp luật.
Diện được hưởng chính sách lương và phụ cấp cao hơn gồm: Nhà giáo cấp học mầm non; công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; dạy tại trường chuyên biệt; thực hiện giáo dục hòa nhập; hoặc giảng dạy trong một số ngành, nghề đặc thù.
Nhà giáo làm việc ở ngành, nghề có chế độ đặc thù sẽ được hưởng mức cao nhất trong các chính sách đang áp dụng, nếu các chế độ trùng nhau.
Từ tháng 7/2024, lương cứng giáo viên được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng. Theo đó, giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, từ khoảng 4,9 đến hơn 11,4 triệu đồng một tháng tùy bậc.
Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận cao nhất. Trong đó, người có hệ số lương 6.78 hưởng lương gần 16 triệu đồng một tháng.
Vũ Tuân