TP HCM chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, hoặc bù chênh lệch bằng tiền để sớm hoàn thành dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng và gần 3 km Vành đai 2.
Nội dung được nêu trong Nghị quyết 212 của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc cho hai dự án đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao) tại TP HCM, gồm: công trình Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn một) và đoạn Vành đai 2, dài 2,7 km, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức cũ).

Cống Mương Chuối – một trong các cống ngăn triều lớn thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Tùng
Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án ngăn triều do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư, khởi công từ năm 2016. Kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành sau hai năm thi công, giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho hơn 570 km2 với 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Dù đã hoàn thành hơn 90% song vướng pháp lý, thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án đã ngưng trệ nhiều năm nay.
Tương tự, đoạn Vành đai 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, cũng dang dở nhiều năm nay do vướng mặt bằng và thủ tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái. Khởi công năm 2017, công trình ban đầu dự kiến hoàn thành sau ba năm, nhưng đã dừng từ năm 2020 đến nay khi đạt khoảng 44% khối lượng.
Theo Nghị quyết 212 của Chính phủ, UBND TP HCM được phép lập, thẩm định, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi hai dự án BT trên. Riêng dự án ngăn triều, TP HCM được thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, nếu giá trị đất nhỏ hơn giá trị công trình BT (đã rà soát, loại bỏ chi phí bất hợp lý…), phần chênh lệch sẽ thanh toán bằng tiền từ vốn đầu tư công của TP HCM. Thành phố chịu trách nhiệm trong việc xác định giá đất, tiền sử dụng đất… của những khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư.

Công trường đoạn Vành đai 2 hoang phế sau nhiều năm dừng thi công. Ảnh: Gang Anh
Kiểm toán Nhà nước sẽ xem xét thực hiện việc kiểm toán ở hai dự án này để làm cơ sở thanh, quyết toán phần vốn đầu tư xây dựng công trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước và nhà đầu tư, cũng như hiệu quả sử dụng vốn để sớm đưa dự án vào vận hành.
Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu việc tháo gỡ vướng mắc cần đảm bảo hiệu quả, giúp khơi thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí, thất thoát… Trong đó, thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc cấp nào thị cấp đó thực hiện. Quá trình giải quyết cũng phải bảo đảm kịp thời, khả thi, đúng quy định, phù hợp thực tiễn…
Giang Anh