Chạy đua đưa nông sản lên chợ mạng

Tận dụng thương mại điện tử phát triển, các địa phương và sàn online chạy đua đưa nông sản “lên sóng”, thậm chí có sàn chuyển đổi sang chuyên bán thực phẩm, rau củ.

Hôm 28/4, tại phiên livestream có tên “Tự hào Hàng Việt” trên TikTok Shop, đích thân Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính và ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó giám đốc đã trực tiếp “lên sóng”, cùng gần 20 nhà sáng tạo nội dung để giới thiệu các sản phẩm OCOP (thực phẩm, nông sản đặc trưng địa phương). Đây là một phần trong nỗ lực của lãnh đạo cơ quan quản lý Thái Nguyên đưa hàng hóa, nông sản địa phương tiếp cận với thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết địa phương này tiên phong tổ chức “Tuần lễ thương mại điện tử Go Online” để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng cả nước, góp phần tăng trưởng kinh tế.





Ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên (đứng giữa, màn hình trái) và ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó giám đốc (áo trắng, màn hình phải) tại phiên livestream giới thiệu đặc sản địa phương, ngày 28/4. Ảnh: TikTok Shop

Ông Nguyễn Bá Chính – Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên (đứng giữa, màn hình trái) và ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó giám đốc (áo trắng, màn hình phải) tại phiên livestream giới thiệu đặc sản địa phương, ngày 28/4. Ảnh: TikTok Shop

Ngoài “đổ bộ” lên TikTok Shop, nông sản – thực phẩm nội địa cũng đang được các sàn online khác ưu tiên chào đón thời gian gần đây. Trung tuần tháng 4, Shopee triển khai dự án “Tinh Hoa Việt Chung Sức” trên Shopee Live. Mỗi buổi phát sóng của chương trình quy tụ khách mời, chia sẻ những mô hình kinh doanh, giới thiệu sản phẩm “made in Vietnam”, nông sản đặc trưng vùng miền.

Hay như sàn nội địa Sendo từ 15/4 đã chuyển đổi từ bán lẻ đa ngành sang siêu thị trực tuyến Sendo Farm. Mô hình mới cung cấp thực phẩm tươi sống, đặc sản địa phương, ưu tiên thúc đẩy nông sản Việt. Trước đó, Sendo Farm đã triển khai thử nghiệm từ năm 2021, đến nay thu hút hơn một triệu khách hàng, hàng chục nghìn đối tác tham gia mạng lưới điểm bán siêu thị online và nguồn hàng ổn định đến từ hàng trăm nhà cung ứng lớn, nhỏ.

Sàn bán nông sản online này còn lập bản đồ hàng hóa từng mùa vụ và cam kết đầu ra. Cứ mỗi nơi mỗi mùa, họ xuống vùng trồng để cùng nông hộ đánh giá quy chuẩn, livestream tại vườn, thúc đẩy tiêu thụ quy mô lớn, từ vài tấn đến hàng chục tấn mỗi ngày.





Sendo từ bán lẻ đa ngành chuyển thành Sendo Farm chuyên nông sản, thực phẩm, hàng thiết yếu từ 15/4. Đồ họa: Viễn Thông

Sendo từ bán lẻ đa ngành chuyển thành Sendo Farm chuyên nông sản, thực phẩm, hàng thiết yếu từ 15/4. Đồ họa: Viễn Thông

Các địa phương và sàn online tăng tốc đưa nông sản thực phẩm thâm nhập do ngành hàng này được người tiêu dùng đón nhận, tăng trưởng tốt. Đồng thời, mức tăng chung của toàn thị trường thương mại điện tử cũng duy trì hai chữ số mỗi năm, cao hơn đáng kể so với bán lẻ nói chung.

Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử quý I/2025 của nền tảng phân tích dữ liệu Metric, doanh số giao dịch (GMV) của 4 sàn lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt 101.400 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 42% so với cùng kỳ 2024.

Trong đó, doanh số nhóm ngành bách hóa – thực phẩm đứng thứ 4, thu về 6.373 tỷ đồng, tăng hơn 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính theo sản lượng, đây cũng là ngành hàng bán ra nhiều thứ 4, với 67 triệu sản phẩm, tăng hơn 53%.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam, cho rằng chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) qua mạng của người Việt tiếp tục tăng. Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường này, đến 2024 có 60% hộ gia đình thành thị có mua hàng FMCG qua mạng, so với mức 29% hồi 2019. Tại nông thôn, tỷ lệ này tăng từ 11% vào 2019 lên 42% cùng giai đoạn.

Xét về giá trị, Kantar dự báo đóng góp kênh online trong mua sắm FMCG của người thành thị và nông thôn năm nay lần lượt là 14% và 6%, so với mức tương ứng 11% và 4% hồi 2024. “Thương mại điện tử phát triển đang là đòn bẩy cho nhiều ngành hàng tăng trưởng”, bà Nga nói.

Đ nông sản thực phẩm nội địa tiếp tục có chỗ đứng trên chợ mạng, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần chuẩn bị từ kiến thức, kỹ năng bài bản đến chất lượng hàng hóa.

“Đào tạo nâng cao năng lực toàn diện về thương mại điện tử cho doanh nghiệp địa phương và lao động trẻ là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững”, ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam – đơn vị phối hợp Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) tổ chức Go Online nhận định.

Hôm 27/4, 56 đại diện từ doanh nghiệp của Thái Nguyên được cấp chứng nhận đào tạo chuyên sâu kinh doanh thương mại điện tử, theo chương trình của eComDX.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, đánh giá thị trường ngày càng cạnh tranh, nhiều đối thủ tham gia livestream hơn. “Doanh nghiệp cần nắm chắc chìa khóa ổn định chất lượng hàng cũng như dịch vụ khách hàng, bên cạnh quảng bá sản phẩm hay, hấp dẫn hơn”, bà nói.

Đồng tình, Metric khuyến nghị doanh nghiệp, nhà bán hàng đặt trọng tâm vào đảm bảo nguồn cung ổn định và nâng cao chất lượng các mặt hàng thiết yếu trong danh sách ưu tiên của người tiêu dùng. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường liên tục dịch chuyển, việc phát triển các dòng sản phẩm thân thiện môi trường hay có nguồn gốc tự nhiên trở thành hướng chủ đạo, phản ánh thị hiếu tiêu dùng hiện đại.

Viễn Thông