
Nguồn: Báo cáo Tác động kinh tế của hành vi làm hàng giả trong các ngành quần áo, mỹ phẩm và đồ chơi tại EU (2018-2021) – Dữ liệu: Phương Nguyễn – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Báo cáo năm 2023 của Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) cảnh báo tình trạng đáng báo động: hàng giả và hàng kém chất lượng tăng mạnh tại các nước EU, với 3,4 tỉ euro hàng giả bị tịch thu, tăng 77% so với năm trước. Ước tính thiệt hại hằng năm lên tới 60 tỉ euro và khiến mất gần 434.000 việc làm, gây tổn thất nặng nề cho kinh tế – xã hội EU.
Bảo vệ người tiêu dùng
Đứng trước thực trạng nghiêm trọng này, EU đã triển khai ba công cụ chính để xử lý hàng kém chất lượng gồm luật bảo vệ người tiêu dùng, giám sát thị trường và cơ chế giải quyết tranh chấp.
Luật bảo vệ người tiêu dùng được điều chỉnh thống nhất ở cấp toàn EU là công cụ hữu hiệu đầu tiên giúp người tiêu dùng thoát khỏi hàng kém chất lượng nhanh nhất. Luật này cho phép người tiêu dùng hủy hợp đồng sau khi ký và trả lại hàng trong thời gian nhất định (thông thường 14 ngày, nhiều công ty tự nguyện gia hạn 30 ngày) và được hoàn tiền không cần đưa ra lý do.
Bên cạnh đó, một mạng lưới hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cung cấp tư vấn gần như miễn phí (phí thành viên chỉ khoảng 100 euro/năm) đồng hành giúp người tiêu dùng đòi lại quyền lợi và tham gia tranh chấp tố tụng pháp lý khi cần thiết.
Từ 2017, lãnh đạo bốn nước Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary đã nhiều lần cảnh báo về hiện tượng “chất lượng kép” – tình trạng các tập đoàn đa quốc gia bán thực phẩm, sản phẩm gia dụng và chăm sóc cá nhân chất lượng thấp hơn dưới cùng nhãn hiệu ở Trung và Đông Âu so với khu vực Tây Âu vì mục đích lợi nhuận.
Dù chế tài xử phạt của EU đối với sản phẩm “chất lượng kép” lên tới 4% tổng doanh thu, các nghiên cứu vẫn chỉ ra rằng hiện tượng này chỉ giảm từ 31% (2018/2019) xuống 24% (2021). Nguyên nhân là các tập đoàn luôn có lập luận cho rằng sự khác biệt trong sản phẩm ở các thị trường khác nhau xuất phát từ nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.
Ba công cụ bảo vệ người tiêu dùng tuy đã phát huy hiệu quả tại khu vực Tây Âu nhưng chưa thực sự hiệu quả với sản phẩm “chất lượng kép”. Do đó, công cụ thứ 4 – “Chỉ thị về hành vi thương mại không lành mạnh” được áp dụng từ 2022 như một cách đòi sự công bằng thông qua cơ chế thông tin minh bạch.
Theo đó, nếu một sản phẩm có nhận dạng hình thức giống nhau tại các quốc gia thành viên nhưng thành phần và đặc tính khác nhau, người tiêu dùng phải được thông tin đầy đủ về sự khác biệt này. Nếu không, việc lưu hành sản phẩm sẽ bị cấm và xử phạt nghiêm khắc.

Hàng giả được bày bán trên phố ở Barcelona, Tây Ban Nha – Ảnh: Rte.ie
Truy quét hàng giả
Theo đánh giá của EUIPO, hàng giả chiếm khoảng 5% tổng số hàng hóa nhập khẩu vào EU và ở một số lĩnh vực như thời trang xa xỉ, điện tử và dược mỹ phẩm, con số này có thể lên tới 40%. Do tính chất phức tạp xuyên biên giới, việc xử lý đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên: cơ quan thực thi pháp luật quốc gia, cơ quan hải quan biên giới, các nền tảng phân phối trực tuyến, chủ sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng.
EU đã hoàn thiện khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, đạo luật dịch vụ kỹ thuật số DSA (có hiệu lực từ 17-2-2024) và biên bản thỏa thuận giữa các nền tảng trực tuyến và chủ sở hữu trí tuệ nhằm phá vỡ các mạng lưới doanh nghiệp tội phạm đa quốc gia.
Theo đạo luật DSA, các nền tảng kỹ thuật số sẽ bị giám sát và xử phạt lên đến 6% doanh thu toàn cầu hằng năm nếu không thực hiện các biện pháp chống hàng giả theo quy định.
Không chỉ nhà phân phối, người tiêu dùng hàng xa xỉ giả cũng bị nhắm tới. Khảo sát năm 2022 của EUIPO cho thấy 37% người trong độ tuổi 15-24 thừa nhận đã mua ít nhất một món hàng giả trong năm 2021, đe dọa nghiêm trọng đến nền công nghiệp hàng xa xỉ vốn là thế mạnh của các nước Tây Âu.
Nhiều quốc gia EU đã đưa ra mức phạt lên tới 12.000 euro cho người mua và sử dụng hàng xa xỉ giả, riêng Tây Ban Nha áp dụng mức phạt tới 20.000 euro nếu mua hàng giả từ những người bán hàng rong và tại các chợ trời không chính thức.
Các nhóm tội phạm có tổ chức liên tục đổi mới để khai thác nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng giả và hàng vi phạm bản quyền. Chúng không chỉ bán sản phẩm giả mà còn đánh cắp dữ liệu cá nhân và khiến người tiêu dùng tiếp xúc với các sản phẩm nguy hiểm. Đây là con dao hai lưỡi khi người tiêu dùng vừa là nạn nhân vừa vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho các mạng lưới tội phạm này.
Bà Catherine De Bolle (giám đốc điều hành của Europol) cảnh báo
Các chiến dịch chống hàng giả của EU
EU đã triển khai nhiều chiến dịch lớn chống hàng giả, trong đó nổi bật là các chiến dịch:
– Operation In Our Sites (IOS): Triển khai từ 2014. Năm 2022, đợt truy quét thứ 13 trên 27 quốc gia đã đóng 12.526 trang web bán hàng giả, thu giữ 127.365 sản phẩm trị giá 3,8 triệu euro.
– Chiến dịch Aphrodite: Kéo dài 8 tháng (tháng 12-2019 đến tháng 7-2020) tại 21 quốc gia, khiến 123 tài khoản mạng xã hội và 36 trang web bị xóa, thu giữ 27 triệu khẩu trang y tế và 28 triệu mặt hàng giả khác.
– Chiến dịch OPSON: Khởi động từ 2011, là nỗ lực toàn cầu chống thực phẩm và đồ uống giả. Năm 2024 đã loại bỏ 22.000 tấn thực phẩm và 850.000 lít đồ uống trị giá 91 triệu euro khỏi thị trường châu Âu.
Mỹ kiểm soát hàng giả như thế nào?
Trước làn sóng thông tin từ các cơ sở sản xuất Trung Quốc tự nhận là đơn vị chính thống sản xuất hàng hiệu, người tiêu dùng Mỹ ngày càng thận trọng với hàng giả nhập khẩu hơn.
Gần đây, mạng xã hội Mỹ rầm rộ những video từ các cơ sở sản xuất Trung Quốc tự nhận là đơn vị chính thống làm việc cho những thương hiệu như Hermes, Louis Vuitton, Chanel.
Hiện tượng này làm dấy lên hoang mang trong dư luận về tính chân thực của các sản phẩm thời trang cao cấp. Từ góc nhìn của một tín đồ thời trang, tôi nhận ra đây chỉ là chiêu trò quảng bá hàng giả tinh vi.

26 chiếc túi xách hàng hiệu giả này sẽ có giá trị 151.431 USD nếu là hàng thật – Ảnh: CBP
Kiểm soát hàng nhập khẩu
Mỹ có hệ thống kiểm soát hàng nhập khẩu vô cùng nghiêm ngặt. Luật pháp Mỹ quy định rõ ràng: sản phẩm chỉ được gắn mác “made in USA” khi được sản xuất hoàn toàn tại đây, ngay cả khi nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Các nhãn hàng lớn cũng đóng góp đáng kể cho chính phủ để thắt chặt luật chống hàng giả.
Tôi từng được mời làm việc tại cơ quan kiểm định hàng nhập khẩu và hiểu rõ quy trình này. Lúc đó tôi còn rất thích thú vì nghe nói sẽ được làm việc gần với những nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới để học hỏi về cách kiểm định hàng hóa của họ. Kinh nghiệm này giúp tôi hiểu sâu sắc về quy trình kiểm soát của hải quan Mỹ.
Mỗi kiện hàng nhập vào Mỹ đều phải có vận đơn ghi rõ xuất xứ, thông tin chi tiết, giá trị và nơi đến của kiện hàng. Hải quan Mỹ sẽ dùng vận đơn để kiểm tra theo quy định hợp lý cho tính chất của kiện hàng đó.
Nếu có thuế quan thì đây cũng là lúc hải quan sẽ thông báo cho bên nhận về kiện hàng để họ đóng thuế. Trong trường hợp thuế quan không được thanh toán, họ sẽ trả kiện hàng về cho bên gửi hoặc đem đi tiêu hủy.
Hàng thực phẩm sẽ theo quy định của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm, còn hàng thời trang và điện tử được kiểm tra giấy phép để loại bỏ hàng giả. Nếu phát hiện hàng giả, hàng cấm hoặc hàng không hợp lệ, hải quan sẽ tiêu hủy và có thể phạt tiền hoặc khởi tố những người liên quan.
Thống kê cho thấy năm 2023, Hải quan Mỹ đã tiêu hủy lượng hàng giả trị giá hơn 204 triệu USD, với gần 90% là hàng thời trang, chủ yếu từ Trung Quốc.
Thực trạng đáng báo động
Dù có hệ thống kiểm soát chặt chẽ, hàng giả vẫn tìm được đường vào thị trường Mỹ. Phần lớn qua dạng hàng xách tay, không bị kiểm tra kỹ như hàng nhập khẩu chính ngạch. Mỹ là một thị trường rất lớn, mỗi ngày có vô số kiện hàng nhập khẩu.
Hải quan Mỹ vận hành theo quy tắc gắt gao với thời hạn nhất định, nếu không, có thể bị nhãn hàng kiện. Vì vậy, việc thất thoát hay để hàng giả sót lọt cũng là điều dễ hiểu.
Luật Mỹ tương đối dễ dãi hơn các nước châu Âu. Ở Pháp, nơi ngành thời trang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc sử dụng đồ giả là phạm pháp theo luật hình sự. Tại Mỹ, mua hàng giả để sử dụng cá nhân không vi phạm pháp luật, nhưng buôn bán và vận chuyển hàng giả có thể bị truy tố hình sự.
Nhiều lần đến New York, tôi chỉ cần đi bộ vài con phố ra khỏi đại lộ số 5 hào nhoáng là gặp những cửa hàng trưng bày hàng giả công khai. Ngoài ra ở lề đường cũng thường thấy hàng hóa được bày bán lẫn lộn. Lâu lâu nếu thấy cảnh sát đến thì họ bỏ chạy hoặc giấu đồ đi. Thậm chí có lần tôi còn được dẫn vào một cửa hàng bí mật trong con hẻm nhỏ để xem đồng hồ giả.
Người tiêu dùng Mỹ khá hiểu biết về vấn nạn hàng giả. Chính phủ thường xuyên cảnh báo về mối liên hệ giữa buôn bán hàng giả với các tổ chức tội phạm và khủng bố. Đa số người Mỹ cũng ủng hộ các thương hiệu trong nước và ý thức được rủi ro pháp lý khi sử dụng hàng không rõ nguồn gốc.
Tôi thường hay đùa rằng Mỹ là một đất nước có một rừng luật, làm gì cũng rất dễ bị kiện, và những vụ kiện thường rất tốn kém cho đôi bên. Chanel là ví dụ điển hình về việc kiện tụng quyết liệt chống lại các đơn vị buôn bán hàng không được phép.
Mạng xã hội hiện nay khiến chúng ta dễ tiếp cận những hình ảnh xa hoa và so sánh bản thân với những người sở hữu hàng hiệu đắt tiền. Nhiều người sẵn sàng làm mọi cách để theo đuổi tiêu chuẩn sống hào nhoáng đó, kể cả việc mua và sử dụng hàng giả – hiện tượng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả tại Mỹ.
Mỹ thu giữ lô trang sức giả trị giá 9,2 triệu USD
Theo thông báo trên trang web của Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP), ngày 9-4-2025, tại cửa khẩu El Paso, bang Texas, CBP đã thu giữ một lô hàng trang sức giả mạo trị giá hơn 9,2 triệu USD nếu là hàng thật.
Lô hàng gồm 1.708 món trang sức như nhẫn, vòng tay, hoa tai và dây chuyền, bắt chước thiết kế dòng “Alhambra” nổi tiếng của thương hiệu Van Cleef & Arpels, được gửi từ Trung Quốc đến một địa chỉ dân cư tại El Paso.
CBP đã phối hợp với chủ sở hữu nhãn hiệu để xác nhận tính giả mạo và tiến hành thu giữ vào ngày 21-4. CBP cảnh báo việc mua hàng giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp Mỹ mà còn có thể liên quan đến các hoạt động tội phạm như rửa tiền, lao động cưỡng bức và tội phạm có tổ chức.
Việt Nam xử lý nghiêm hành vi sản xuất hàng giả
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: việc sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có mặt hàng sữa, bị điều chỉnh bởi cả pháp luật hành chính và hình sự, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sự lành mạnh của thị trường.
Về xử phạt hành chính, theo điều 10 và điều 11 nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng.
Cụ thể, hành vi buôn bán hàng giả trị giá dưới 5 triệu đồng bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng; hành vi sản xuất hàng giả trị giá dưới 5 triệu đồng bị phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng dần theo giá trị vi phạm, tối đa lên đến 200 triệu đồng nếu giá trị hàng giả từ 30 triệu đồng trở lên hoặc không định giá được.
Ngoài ra, cá nhân và tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp và đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Về xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại điều 192 và điều 193 về các tội danh liên quan đến hàng giả. Người sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 2 đến 5 năm.
Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản, mức phạt tù có thể tăng lên đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc kinh doanh vĩnh viễn.
Trong bối cảnh thời gian gần đây, vụ việc phanh phui gần 600 loại sản phẩm sữa giả tại Việt Nam đã gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận. Các sản phẩm này không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật về chất lượng hàng hóa mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và người bệnh.
Vụ việc cho thấy việc lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm theo nghị định 15/2018/NĐ-CP và sự lỏng lẻo trong công tác hậu kiểm là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng giả có cơ hội lưu hành trên thị trường trong thời gian dài.
Theo đó, ngoài việc xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức vi phạm bằng các chế tài hành chính và hình sự nêu trên, yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước là cần siết chặt hơn nữa công tác hậu kiểm. Đồng thời, cần xem xét điều chỉnh cơ chế kiểm soát sản phẩm, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm như thực phẩm dinh dưỡng.