
Chánh án Lê Minh Trí – Ảnh: GIA HÂN
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có báo cáo Quốc hội về công tác của các tòa án trong 6 tháng đầu năm 2025 (từ ngày 1-10-2024 đến ngày 31-3-2025).
6 tháng đầu năm, các tòa án thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp.
Nhất là các tội phạm ma túy, xâm phạm trật tự an toàn giao thông, tham nhũng, kinh tế, chức vụ, xâm hại tình dục trẻ em…
Tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp
Báo cáo nêu rõ về thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 3.399 vụ với 8.297 bị cáo; đã xét xử 2.216 vụ với 4.620 bị cáo (so với cùng kỳ năm 2024, thụ lý tăng 537 vụ với 1.846 bị cáo, xét xử tăng 306 vụ với 866 bị cáo).
Thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 878 vụ với 2.116 bị cáo, đã xét xử 448 vụ với 1.179 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 12 vụ với 21 bị cáo, đã xét xử 2 vụ với 6 bị cáo.
Chánh án Lê Minh Trí cũng đánh giá tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế…
Các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà tòa án đã xét xử chủ yếu phạm các tội về “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”, “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…
Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước.
Chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung.
Chủ động làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án dân sự trong công tác giải quyết các vụ án.
Báo cáo cũng thông tin các tòa án đã tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước đối với những khoản tiền nhận hối lộ, được hưởng lợi từ việc phạm tội hoặc phải bồi thường, khắc phục hậu quả đối với những khoản tiền bị thất thoát, chiếm đoạt.
Tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 71 vụ với 336 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản trên 32.399 tỉ đồng.
Có 50 vụ với 243 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 30.321 tỉ đồng.
Tích cực phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn điều tra, chủ động tháo gỡ vướng mắc nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác xét xử, kịp thời thu hồi các tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong vụ án, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật.
Cụ thể, đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 12 vụ án, xét xử 8 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 18 vụ án, xét xử 13 vụ án.
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu; đã thụ lý 1.201 vụ án với 2.373 bị cáo; đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm đối với 756 vụ án với 1.672 bị cáo.
Phối hợp với liên ngành tố tụng ở Trung ương chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tập đoàn Thái Dương…
Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội như vụ án “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Sài Gòn – Đại Ninh (Lâm Đồng) và các đơn vị có liên quan.
Vụ án liên quan dự án khu đô thị biển Phan Thiết; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Từ đó, được dư luận đánh giá cao, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội
Báo cáo của Chánh án Lê Minh Trí chỉ rõ việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.
Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Hầu hết các trường hợp cho hưởng án treo được cân nhắc kỹ lưỡng; được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm đúng pháp luật, phát huy ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho người bị kết án được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc xem xét, quyết định áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật…