‘Cần Thơ được ưu tiên nhưng tăng trưởng thấp là đáng xấu hổ’

Ở vị trí trung tâm, được Trung ương ưu tiên, có cơ chế đặc thù… nhưng Cần Thơ tăng trưởng thấp hơn mức bình quân miền Tây là rất đáng xấu hổ, theo lãnh đạo Chính phủ.

Ý kiến được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ, ngày 21/4. Cần Thơ là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương với gần 1,5 triệu dân. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng của địa phương này đứng 41/63 cả nước, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lãnh đạo Chính phủ nêu loạt công trình trọng điểm ì ạch trên địa bàn TP Cần Thơ như: nâng cấp 7 km quốc lộ 91, xây dựng Bệnh viện Ung bướu 500 giường mãi không xong, Khu công nghiệp Vsip Cần Thơ (gần 300 ha) thời gian dài vẫn còn san lấp mặt bằng trong khi Vsip các nơi khác đã đi vào sản xuất, cho ra sản phẩm… “Chậm trễ như thế thì làm sao doanh nghiệp bắt tay làm ăn được”, Thủ tướng nói.





Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ sáng nay. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ sáng nay. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với vai trò đại biểu Quốc hội của TP Cần Thơ, người đứng đầu Chính phủ cũng nhận trách nhiệm trước thực trạng địa phương tăng trưởng không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, sự ưu tiên của Trung ương; đời sống người dân không bằng nơi khác trong vùng.

Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ phải quyết liệt việc tinh gọn bộ máy, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đồng thời, địa phương cần chú trọng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tập trung chuyển đổi số, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp… đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8%.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu TP Cần Thơ tăng cường công tác thông tin truyền thông sâu rộng các sự kiện, chính sách lớn, tạo điều kiện cơ sở vật chất, chính sách cho các cơ quan báo chí tác nghiệp, hỗ trợ thông tin tuyên truyền các kinh nghiệm hay, cách làm tốt, tạo khí thế, động lực, niềm tin cho nhân dân…

Hồi giữa tháng 4, tại buổi họp với các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn, ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết kết quả thực hiện 6 chính sách đặc thù (theo Nghị quyết 45/2022 của Quốc hội) của thành phố còn “rất ít”. Trong đó, có hai việc thành phố đã làm được là chính sách về đất đai và quy hoạch.





Một góc quận Ninh Kiều, trung tâm TP Cần Thơ. Ảnh: An Bình

Một góc quận Ninh Kiều, trung tâm TP Cần Thơ. Ảnh: An Bình

Cụ thể, Nghị quyết cho Cần Thơ thẩm quyền được chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 500 ha thì thành phố đã làm được một số dự án. Đồng thời trên cơ sở quy hoạch chung Thủ tướng đã phê duyệt, phân cấp ủy quyền cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ thì địa phương đã thực hiện một số nội dung…

Các chính sách tài chính ngân sách như: ban hành mức phí lệ phí lòng đường, vỉa hè; thưởng thu vượt ngân sách trung ương trên địa bàn, được hưởng 50% Cần Thơ đều chưa thực hiện được.

Về chính sách tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết theo Nghị quyết 45 là gấp 0,8 lần lương hiện hưởng, nhưng quá trình triển khai không thực hiện được. Lý do là thành phố tự chủ ngân sách nhưng còn “hết sức khó khăn”.

Theo lãnh đạo TP Cần Thơ, tổng chi của thành phố khoảng 18.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng thu cân đối chỉ khoảng trên 12.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương vẫn đang hỗ trợ Cần Thơ một số dự án như: cải tạo nâng cấp 7 km quốc lộ 91, đường Vành đai phía Tây…

Về dự án nạo vét luồng Định An, ông Tuyên cho biết trước đây một số doanh nghiệp có khảo sát nhưng có thể do thu hồi không đủ chi phí nên không thực hiện được…

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, TP Cần Thơ sẽ hợp nhất với tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng có tổng diện tích trên 6.400 km2, dân số hơn 4 triệu người; 99 đơn vị hành chính trực thuộc (30 phường, 69 xã)…

An Bình