Để thúc đẩy hoạt động trung tâm tài chính quốc tế, tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực và thế giới, Việt Nam cần những sản phẩm tài chính mới, theo chuyên gia.
Đầu năm nay, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM và trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng. Tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính”, nhiều chuyên gia chia sẻ các giải pháp để trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường VietinBank, nhận định để thúc đẩy hoạt động trung tâm tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm tài chính. Điều này giúp Việt Nam có thể tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, thị trường tài chính cũng cần có những sản phẩm mới để tăng tính linh hoạt.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Trưởng phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường VietinBank tại hội thảo ngày 16/4. Ảnh: BTC
Trung tâm tài chính là nơi các tổ chức tài chính, ngân hàng, và các công ty đầu tư hội tụ để thực hiện các giao dịch, đầu tư, và cung cấp các dịch vụ tài chính. Nhưng theo ông Khôi, các sản phẩm tài chính của Việt Nam còn cơ bản, thiếu đi tài sản số hay các công cụ phái sinh để nhà đầu tư bảo vệ nguồn vốn.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số… Trong đó, thị trường hàng hóa có thể phát triển dựa trên lợi thế quốc gia. Ông ví dụ, Việt Nam có thể nghiên cứu các sản phẩm tài chính phái sinh với gạo – mặt hàng xuất khẩu chủ lực chưa được triển khai trên nhiều thị trường hàng hóa khác.
Chuyên gia này còn đề xuất Việt Nam nên có chính sách tự do hóa dòng vốn tại trung tâm tài chính quốc tế để thu hút thêm nhà đầu tư. Các định chế tài chính khi đầu tư vào Việt Nam cũng muốn được tạo điều kiện để rút vốn dễ dàng hơn.
Trong khi đó, bà Lưu Ánh Nguyệt, Phó trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính, Bộ Tài chính, cho rằng cần miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế. Việc miễn giảm sẽ thu hút thêm nhà đầu tư tham gia vào trung tâm tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam.
Nhiều IFC trên thế giới đã áp dụng chính sách này trong giai đoạn đầu xây dựng. “Việt Nam có thể học tập một số nước như Indonesia đã giảm 85-100% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức hoạt động trong IFC trong 20-25 năm”, bà Nguyệt chia sẻ.
Ngoài giải pháp trên, chuyên gia này cho biết cần hoàn thiện thể chế linh hoạt, khung pháp lý minh bạch, tiệm cận thông lệ quốc tế, cho phép thử nghiệm mô hình mới như công nghệ tài chính số (fintech), nền tảng số. Đồng thời, Việt Nam có thể áp dụng mô hình thử nghiệm trong không gian và thời gian giới hạn như Singapore với quy trình cấp phép nhanh và bảo vệ nhà đầu tư tốt.
Phát triển hạ tầng tài chính và công nghệ là giải pháp tiếp theo được bà Lưu Ánh Nguyệt đề xuất. Trung tâm tài chính quốc tế cần được ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong giao dịch, quản lý dữ liệu và bảo mật tài chính.
Bà còn đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu thủ tục đăng ký, cấp phép cho tổ chức tài chính nước ngoài. Ngoài ra, IFC cũng cần thu hút chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, fintech; áp dụng chính sách visa đặc biệt cho nhân tài toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực tài chính số.
Còn bà Trương Thị Thu Ba, Phó giám đốc Ban Định chế tài chính tại BIDV, đề xuất mô hình trung tâm tài chính mới nên tập trung vào các thế mạnh của Việt Nam như lực lượng lao động trẻ, giỏi toán. Trong giai đoạn đầu, trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam có thể tập trung làm dịch vụ thuê ngoài (outsource) cho các công ty công ty tài sản số hay ngân hàng đầu tư với chi phí bằng 30-40% so với Singapore hoặc Hong Kong.
Việt Nam dự kiến thành lập hai trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng, vận hành trong 2025. Nhà điều hành đang trong quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách để phát triển các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế này. Đây là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Chính phủ nhằm huy động nguồn lực cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trọng Hiếu