Cần nâng tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư ngoại vào ngân hàng Việt

Cần nâng tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư ngoại vào ngân hàng Việt - Ảnh 1.

Ông Phạm Thanh Hà cho biết đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu – Ảnh: CTV

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Thanh Hà – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó mục tiêu đặt ra có từ 2-3 ngân hàng thương mại Việt Nam lọt vào Top 100 ngân hàng có thương hiệu lớn nhất khu vực châu Á.

Mục tiêu này không chỉ về quy mô tài sản mà còn là sự khẳng định uy tín, thương hiệu và sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ông Hà cũng thông tin theo xếp hạng của Brand Finance năm 2025, đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu.

Để đạt mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh số hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản, gắn với chiến lược phát triển dài hạn và hội nhập quốc tế.

Để nâng cao giá trị thương hiệu ngân hàng ở Việt Nam, giáo sư John Quelch, nguyên phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, khuyên Ngân hàng Nhà nước nên nâng tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng ở Việt Nam. Được biết, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư vào các ngân hàng ở Việt Nam. 

“Nếu hệ thống ngân hàng muốn duy trì được sức khỏe thì cần tăng tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư ngoại qua hoạt động mua bán, sáp nhập. Như vậy ngân hàng sẽ có quy mô đủ lớn để có thêm nguồn lực đầu tư vào công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động…” – giáo sư John Quelch nhận định.

Về xây dựng thương hiệu, với hơn 40 năm kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng,  ông Peter Verhoeven – chuyên gia về tái cấu trúc doanh nghiệp và chiến lược tài chính – nhận định điều quan trọng với thương hiệu là niềm tin. 

Đối với các ngân hàng cũng vậy, các cơ quan quản lý cần kiểm soát hoạt động của ngân hàng đảm bảo niềm tin của người dân. Cơ sở của niềm tin được xây dựng dựa trên việc ngân hàng làm tốt hoạt động quản trị nội bộ, đáp ứng các yêu cầu an toàn hoạt động…

Ngân hàng cần thận trọng khi cho vay vì ngân hàng là nơi giữ tiền gửi tiết kiệm của người dân. Nên khi cho vay, ngân hàng phải đánh giá chặt chẽ năng lực của khách vay.

Cùng với việc đảm bảo niềm tin của khách hàng, hai chuyên gia quốc tế cũng nhấn mạnh điều làm nên thương hiệu cho mỗi ngân hàng trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ còn là hành trình của khách hàng khi giao dịch với ngân hàng. 

Hành trình của khách hàng được hiểu là ngân hàng cần phải đầu tư công nghệ để khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng ngay trên điện thoại di động mà không phải đến chi nhánh ngân hàng nữa. 

“Nói tóm lại ngân hàng cần tạo thuận lợi với chi phí rẻ hơn và nhanh hơn cho khách hàng” – giáo sư John Quelch khuyến nghị.