Cần một chiến lược tổng thể về chip bán dẫn

chip bán dẫn - Ảnh 1.

Việc Chính phủ vừa đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án chip bán dẫn nhằm phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn – Ảnh: AL ARABYA

Cho nên việc Chính phủ vừa đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án chip bán dẫn nhằm phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt khi chúng ta đang định hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ trên nền tảng công nghệ cao.

Trên thực tế, các chính sách như vậy đã được thực hiện từ lâu nhằm khuyến khích và thu hút FDI vào Việt Nam.

Đương nhiên điều này đã mang đến hiệu quả tích cực. 

Đó là nhiều tập đoàn công nghiệp lớn nước ngoài và đa quốc gia đã dịch chuyển và xây mới nhiều cơ sở sản xuất của họ tại Việt Nam, mà điển hình nhất là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc.

Nhưng xét mục tiêu của nước chủ nhà là xây dựng các ngành công nghiệp của quốc gia có liên quan, cụ thể là các ngành đó vẫn phải tiếp tục tồn tại và đứng vững sau khi các doanh nghiệp FDI rút đi, thì vấn đề hiệu quả của chính sách lại là câu hỏi lớn.

Cho nên tại thời điểm này, không chỉ đề xuất một hay một vài giải pháp chính sách mà Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể và toàn diện để xây dựng ngành công nghiệp chip bán dẫn ở Việt Nam. Vậy để đạt mục tiêu đó thì chúng ta cần làm gì?

Xét về bối cảnh và mục tiêu, tại thời điểm này, hoàn toàn không giống như khi tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan là TSMC khởi nghiệp năm 1987, mà thế giới đã có chính TSMC và nhiều tập đoàn doanh nghiệp khác đã và đang sản xuất, cung ứng thiết bị chip ở nhiều công đoạn khác nhau rồi.

Do đó, để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp chip của riêng mình thì sẽ phải đương đầu với thách thức cạnh tranh rất lớn.

Còn nếu đặt mục tiêu chỉ là khuyến khích các tập đoàn nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất hiện có của họ vào Việt Nam để hưởng lợi về chi phí tài chính như thuế, tiền thuê đất, thậm chí cả nguồn nhân công rẻ thì e rằng sẽ không còn hợp thời, thậm chí còn rủi ro.

Chẳng hạn như sản xuất chip không thể dựa trên lao động giản đơn, giá rẻ; hay rủi ro là chúng ta sẽ có nhà máy nhưng lại không có công nghệ được chuyển giao.

Hơn thế, trong bối cảnh mới, các đề xuất chính sách không nên đến từ các phòng nghiên cứu đơn thuần hay bộ phận tham mưu mà phải từ sự cộng tác trong đối thoại, trao đổi giữa Chính phủ và chuyên gia tư vấn độc lập và chính các doanh nghiệp.

Bởi chip là ngành công nghiệp toàn cầu nên muốn phát triển nó từ đầu thì rất nên có sự lựa chọn tư vấn nào và doanh nghiệp nào làm chủ đạo cho mục tiêu tham vấn, hỗ trợ.

Chuyên gia tư vấn sẽ cho các đánh giá độc lập và đa chiều, còn các doanh nghiệp sẽ cho biết các nhu cầu thực tế của họ.

Bởi lẽ không có doanh nghiệp nào, kể cả TSMC, có thể làm tất cả mọi thứ về chip mà chỉ tập trung vào khâu sản xuất thôi, còn các khâu thiết kế hay đóng gói vẫn để người khác làm. Với Việt Nam, có lẽ cũng nên tiếp cận vấn đề theo cách như vậy.