Cần Giờ và cơ hội đổi đời từ dự án đô thị lấn biển

 Cần Giờ - Ảnh 1.

Đường Rừng Sác – tuyến huyết mạch độc nhất hiện tại nối hướng trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ – Ảnh: CHÂU TUẤN

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải nhận định dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm, thúc đẩy phát triển dịch vụ – thương mại, tăng thu ngân sách và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phước Hưng – bí thư Huyện ủy Cần Giờ – cũng cho rằng dự án sẽ thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố và khu vực lân cận.

Một Cần Giờ ngày càng đông vui

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, để chuẩn bị khởi công dự án, hàng ngàn công nhân đã đổ về gần khu vực dự án tại Cần Giờ. Tại đường Thạnh Thới đã hình thành lán trại khá lớn, còn tại mũi Đồng Tranh (xã Long Hòa) cũng tập trung nhiều sà lan, thuyền, máy móc và rất nhiều công nhân. Quanh nhà dân tại tuyến Thạnh Thới, Lương Văn Nho, khu dân cư Phước Lộc đã có nhiều biển quảng cáo kèm cho thuê nhà trọ.

Bà Mai Thị Cẩm Nhung (đường Lương Văn Nho) cho hay những ngày qua từng tốp công nhân từ 5-10 người thậm chí có tốp gần 20 người đến khu vực này thuê nhà nguyên căn, có giá từ 10-20 triệu đồng tùy căn để ở.

Tương tự, Mangrove là khách sạn lớn, nằm cạnh chợ Hàng Dương mấy năm qua vẫn kinh doanh cầm cự vì vắng khách nhưng nay đã có “tín hiệu” vui khi dự án khởi công.

Chị Trần Thị Phương Lan – quản lý khách sạn – cho biết sau dịch COVID-19 khách giảm khoảng 60%. Nhưng những ngày qua thì kín phòng, khách sạn đang chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, hướng đến phân khúc khách hàng là các kỹ sư, quản lý, giám sát công trình thi công. “Tôi rất chờ ngày đô thị lấn biển hoàn thành, Cần Giờ sẽ hấp dẫn đông vui hơn nữa, thuận lợi hơn cho việc kinh doanh, người dân sẽ khấm khá hơn…”, chị Lan chia sẻ.

Còn chị Trần Kim Duyên, tiểu thương tại chợ Hàng Dương, cũng khấp khởi: “Mấy năm nay khách ít xuống biển, chợ vắng đìu hiu. Nhưng những ngày qua tôi cũng bán được thêm đồ ăn cho lực lượng công nhân của dự án. Sau này du khách và nhà đầu tư về dự án nhiều sẽ giúp bà con buôn bán khấm khá hơn, người dân địa phương cũng sẽ có cơ hội đổi đời”.

Tôi rất chờ ngày đô thị lấn biển hoàn thành, Cần Giờ sẽ hiện đại, đông vui hơn nữa, thuận lợi hơn cho việc kinh doanh, người dân sẽ khấm khá hơn…
Chị TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN (quản lý khách sạn Mangrove, Cần Giờ)

Người dân chờ vào tương lai khấm khá

Ngày khởi công dự án, nhiều người dân Cần Giờ đi xem trong sự tò mò lẫn kỳ vọng về cột mốc chỉ dấu cho tương lai thịnh vượng. Sự kiện này được TikToker Khang Cần Giờ đưa lên trang cá nhân thu hút gần 90.000 lượt xem.

Huỳnh Văn Minh Khang (25 tuổi), từ hai năm nay “nổi tiếng” với “nghệ danh” Khang Cần Giờ, kể: “Em lập kênh TikTok để quảng bá du lịch Cần Giờ, em làm các video để giới thiệu các điểm đẹp như mũi Đồng Tranh, bãi Tắc Xuất, rừng Cần Giờ… may mắn được hàng triệu lượt xem. Từ đó nhiều người biết và đến Cần Giờ nhờ em dẫn đi tham quan. Vài bữa dự án đô thị đẹp đẽ mọc lên thì càng có thêm nhiều du khách đến Cần Giờ hơn, em và nhiều người cũng sẽ có nhiều việc hơn…”.

Có văn phòng giới thiệu nhà đất ở Bình Khánh (Cần Giờ), bà Nguyễn Thị Ngân không hề giấu giếm sự kỳ vọng lẫn hiếu kỳ với siêu đô thị lấn biển. Bà Ngân rất chú ý về thông tin quy hoạch dự án sắp tới với nhiều dự án giao thông kết nối với Cần Giờ. 

Bà vui mừng khi biết sẽ có đường sắt cao tốc đi từ Phú Mỹ Hưng đến biển Cần Giờ chỉ mất 16 phút, tương lai có thể có cả cầu và đường ven biển nối với Vũng Tàu, cầu Bình Khánh và Phước Khánh nối cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng sắp xong. Như vậy tất cả người Cần Giờ đều được hưởng lợi.

“Cần Giờ đẹp nhưng khuất nẻo, nhiều người chỉ ghé Cần Giờ rồi lên tàu đi tiếp ra Vũng Tàu, không phải ai cũng nán lại vui chơi, ăn uống. Tôi thật sự mong chủ đầu tư mới sẽ làm cho Cần Giờ khởi sắc, đời sống người dân tốt hơn”, bà Ngân nói.

 Cần Giờ - Ảnh 2.

Bãi biển 30-4 đang triển khai dự án đô thị lấn biển – Ảnh: CHÂU TUẤN

Cư dân các vùng quanh Cần Giờ sẽ có lợi

Đánh giá về lợi ích của dự án mang lại cho người dân Cần Giờ, TS Vũ Ngọc Long – nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam – cho rằng dự án phát triển sẽ kéo theo hàng loạt loại hình công việc, nghề nghiệp mới cho người dân. Nhất là với định hướng phát triển bền vững, đô thị du lịch lấn biển sẽ phát triển mạnh các dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

“Tôi được biết những hộ dân nuôi nghêu, sống phụ thuộc vào bãi biển Cần Giờ đã được chủ đầu tư hỗ trợ tài chính và cùng với cơ quan chức năng đào tạo tập huấn chuyển đổi nghề nghiệp, sinh kế. Điển hình như dự án có chính sách sử dụng những người địa phương để làm bảo vệ, công nhân, xa hơn là tham gia vào các dịch vụ tại đô thị.

Ngoài ra, người dân cũng có thể tham gia hướng dẫn du khách tham quan rừng ngập mặn, tham quan khu bảo tồn chim, khỉ, tham quan cách làm muối, chiến khu rừng Sác, lễ hội nghinh ông Cần Giờ… Như vậy người dân có thể phát triển sinh kế, hưởng lợi từ dự án và dự án cũng được hỗ trợ ngược lại, đảm bảo cho phát triển xanh…”, ông Long nói.

Đánh giá ở tầm rộng hơn về dân sinh, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – nhìn nhận dự án không chỉ là một dự án khu đô thị lấn biển bình thường, đây là một khu đô thị mới có diện tích tương đương khu đô thị mới Nam Sài Gòn đã được quy hoạch hơn 30 năm trước đây. So sánh như vậy để thấy khu đô thị lấn biển Cần Giờ tầm vóc tương lai sẽ trở thành khu đô thị vệ tinh của TP.HCM.

Theo ông Lê Hoàng Châu, dự án đô thị du lịch lấn biển cùng dự án cảng trung chuyển Cần Giờ và các dự án hạ tầng xung quanh sẽ làm gia tăng giá trị đất đai, tăng nhu cầu dịch vụ đời sống của toàn bộ huyện Cần Giờ, lan tỏa qua cả huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) và huyện Cần Giuộc (Long An). Đồng thời lan tỏa ngược trở lại đối với huyện Nhà Bè (TP.HCM). Và như vậy, lợi ích của dự án mang lại cho người dân không chỉ trong vùng dự án hay huyện Cần Giờ mà sẽ lan tỏa ra các khu vực xung quanh.

Người nuôi nghêu được hỗ trợ chuyển đổi nghề

Để thực hiện được dự án, có gần 1.000 hộ dân (với hơn 1.200ha) sản xuất nuôi nghêu và khai thác, đánh bắt hải sản tự nhiên bị tác động. Ông Phạm Văn Thắng, chánh văn phòng UBND huyện Cần Giờ, cho biết huyện đã làm đầu mối phối hợp thống kê, kết nối người dân với doanh nghiệp để xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp, đến nay những người nuôi nghêu đều được hỗ trợ và đồng thuận cao.

Điển hình như ông Lê Trung Tín (51 tuổi, ngụ Cần Thạnh) có 3ha nuôi nghêu ở bãi biển Cần Thạnh, được hỗ trợ 210 triệu đồng. “Khoảng đầu 2019 tôi nhận tiền hỗ trợ, chuyển qua bỏ thu mua, bỏ mối hải sản. Nhờ vậy thu nhập ổn định, lo cho hai đứa con ăn học trưởng thành. Tôi mong dự án hoàn thành để tạo thêm công ăn việc làm, đời sống người dân Cần Giờ cũng khá lên theo”, ông Tín nói.

Cũng sống nhờ bãi biển, anh Hồ Văn Việt (37 tuổi, ngụ Long Hòa) không nuôi mà chỉ đi bắt nghêu, thu nhập bấp bênh. Nay anh Việt được tuyển làm bảo vệ cho công trình dự án đang thi công theo chính sách ưu tiên tuyển dụng người địa phương. “Công ty tuyển người địa phương từ 18-45 tuổi làm bảo vệ công trình. Tôi được tuyển có mức lương ổn định, bảo hiểm, hỗ trợ tiền ăn…”, anh Việt cho hay.