Cần đưa dịch vụ Airbnb vào quản lý

Airbnb - Ảnh 1.

Người dân chờ nhận căn hộ để lưu trú ngắn hạn tại một chung cư ở TP.HCM – Ảnh: TRƯƠNG LINH

Trong khi đó Sở Du lịch cho biết đang phối hợp xây dựng đề án quản lý loại hình Airbnb này với các giải pháp gồm: khung pháp lý riêng, hệ thống đăng ký – giám sát thông minh và cơ chế phối hợp liên ngành nhằm phát triển hệ sinh thái lưu trú đa dạng, an toàn, minh bạch và phù hợp với xu thế kinh tế số.

Lúng túng vì quy định “siết” Airbnb

Thời gian qua nhiều chung cư ở TP.HCM đã gửi các thông báo yêu cầu “siết” lại hoạt động cho thuê căn hộ ngắn ngày theo mô hình Airbnb. Nhiều chung cư thậm chí bố trí bảo vệ, ngăn không cho các đơn vị cung cấp dịch vụ Airbnb hoặc người thuê lên các căn hộ mà khách đã đặt trước thông qua các nền tảng đặt phòng trực tuyến.

Bà Trần Minh Huyền, cung cấp dịch vụ lưu trú qua Airbnb, cho biết sau khi có thông tin về việc siết chặt quản lý dịch vụ lưu trú trong các chung cư, bà đã bị khách du lịch hủy đặt phòng hàng loạt. 

Đại diện một doanh nghiệp cho biết với hàng chục căn hộ đang kinh doanh Airbnb, chi phí cho nhân viên hơn 100 triệu đồng/tháng, việc cấm kinh doanh Airbnb khiến doanh nghiệp này đứng bên bờ vực phá sản.

Không chỉ người dân cung cấp dịch vụ Airbnb lúng túng, ngay cả các đơn vị quản lý vận hành chung cư cũng “khó xử” trong phân định các loại hình cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn hạn. 

Trong văn bản gửi Sở Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Hiếu, giám đốc Công ty quản lý – vận hành – khai thác bất động sản Hà Đô (quản lý chung cư Hado Centrosa Garden), cho biết chung cư này là khu nhà ở cao tầng hỗn hợp và khu dịch vụ thương mại.

Do đó đơn vị này băn khoăn không biết chung cư này có được phép hoạt động căn hộ du lịch cho thuê với hình thức ngắn ngày hay không. Với trường hợp cho phép kinh doanh dịch vụ này, cơ quan nào quản lý và cấp phép? Ban quản lý nhiều chung cư tại TP.HCM cũng cho biết rất “đau đầu” để giải thích với cư dân, cơ quan quản lý địa phương về việc cho thuê lưu trú ngắn ngày này.

Theo kết quả lấy ý kiến cư dân về hoạt động lưu trú ngắn ngày tại chung cư RiverGate (quận 4) vừa được ban quản trị chung cư này thực hiện, bên cạnh các ý kiến yêu cầu chấm dứt dịch vụ Airbnb, nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế quản lý minh bạch dịch vụ này thay vì cấm đoán. Tại văn bản gửi đến cư dân, phía ban quản trị, ban quản lý cho rằng “không phải cơ quan hành pháp” nên phải gửi văn bản đến Sở Xây dựng để hỏi ý kiến.

Trước đó sau khi UBND TP.HCM ban hành quyết định 26 quy định về quản lý và sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP, trong đó có yêu cầu không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, các địa phương và ban quản trị các chung cư đã siết lại việc quản lý dịch vụ Airbnb, thậm chí nhiều chung cư không cho phép dịch vụ này hoạt động.

Không cấm nhưng phải hài hòa lợi ích các bên

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Hưởng, trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM), cho rằng quyết định 26 không cấm hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn ngày mà chỉ quy định cụ thể các điều kiện để thực hiện. 

Chung cư phải có mục đích sử dụng hỗn hợp, căn hộ phải được phép phục vụ lưu trú du lịch. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đáp ứng tiêu chuẩn theo luật du lịch và tuân thủ pháp luật về ngành nghề có điều kiện.

Tuy nhiên trước việc các chung cư đồng loạt áp dụng biện pháp cấm Airbnb tại TP.HCM, UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì lấy ý kiến của Sở Du lịch cùng các đơn vị liên quan để nghiên cứu, đề xuất kiến nghị cơ chế phát triển kinh tế, du lịch để trình UBND TP.HCM xem xét. Trong đó, UBND TP lưu ý căn cứ vào Luật Nhà ở và nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển TP để đánh giá thực tiễn mô hình lưu trú ngắn ngày trong chung cư.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng việc siết Airbnb sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc tìm nơi lưu trú của du khách, đặc biệt trong những dịp du khách đến TP.HCM đông đúc như 30-4 hoặc các mùa lễ hội khác. 

Theo bà Hòa, việc tăng cường quản lý hoạt động Airbnb là cần thiết, song việc yêu cầu căn hộ được cho thuê ngắn hạn phải thuộc chung cư sử dụng hỗn hợp là quá khắt khe.

“Rất nhiều chung cư không phải là hỗn hợp nên cần xem xét lại điều kiện này, nếu không sẽ gây khó khăn cho người mua muốn khai thác cho thuê ngắn ngày hoặc có căn hộ mà không đóng góp được vào du lịch thì uổng lắm”, bà Hòa nói và cho rằng việc đưa vào quản lý dịch vụ Airbnb nhằm đảm bảo an ninh trật tự cũng như quyền của cư dân trong khu chung cư, cả chủ căn hộ lẫn cư dân trong chung cư đều được thụ hưởng, chưa kể Nhà nước cũng thu được thuế.

Bà Chu Thị Minh Ngọc, giám đốc bộ phận quản lý bất động sản CBRE Việt Nam, cho rằng cần cho phép thí điểm mô hình lưu trú ngắn hạn trong chung cư để có cơ sở đưa ra cơ chế quản lý nhằm hài hòa lợi ích của các bên, gồm chủ căn hộ và cư dân là điều cần thiết. 

“Nếu cơ quan chức năng lắng nghe ý kiến từ các bên để đưa ra được những điều chỉnh thích hợp sẽ đảm bảo việc phát triển bền vững của dịch vụ Airbnb cũng như hoạt động tại nhà chung cư”, bà Ngọc nói.

* Ông Nguyễn Quốc Khánh (phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam):

Đừng theo thói quen không quản được thì cấm

Cần đưa dịch vụ Airbnb vào quản lý - Ảnh 2.

Đảng và Nhà nước đang khuyến khích kinh tế tư nhân, kinh tế số phát triển nên cần ủng hộ sự phát triển của ứng dụng đặt phòng Airbnb.

Các chủ căn hộ có quyền khai thác, kinh doanh căn hộ đang sở hữu để tăng thu nhập, pháp luật không cấm. Không nên theo thói quen không quản được thì cấm.

Đây là mô hình kinh doanh thông minh, cho phép các hộ gia đình tự kinh doanh, khai thác tối đa hiệu quả tài sản nhưng không tốn nhiều chi phí, có thêm thu nhập, góp phần làm giảm áp lực thuê phòng lưu trú tại các đô thị trong mùa cao điểm.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…, việc cho thuê chung cư để lưu trú ngắn ngày thông qua ứng dụng Airbnb ngày càng phổ biến. Vì thế cần xây dựng hành lang pháp lý để quản lý mô hình kinh doanh này thay vì cấm đoán.

Việc quản lý kinh doanh căn hộ chung cư thông qua ứng dụng đặt phòng Airbnb không quá khó. Theo đó, người kinh doanh dịch vụ này phải đăng ký với cơ quan thuế, ban quản lý chung cư để quản lý khách thuê, có quy định khai báo lưu trú online để mọi người dân có căn hộ kinh doanh cho thuê ngắn hạn có thể dễ dàng khai báo lưu trú với cơ quan quản lý địa phương.

Và để khách sử dụng dịch vụ này không gây ảnh hưởng đến cộng đồng cư dân cần có quy chế cụ thể để ban quản trị chung cư căn cứ vào đó để xử lý.

Airbnb - Ảnh 2.

Du khách lưu trú tại một căn hộ ở quận 4 (TP.HCM) qua các ứng dụng đặt phòng trực tuyến – Ảnh: T.T.D.

Phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo quy định

Bà Nguyễn Thương Hoài, cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn ngày, cho rằng việc nhiều cơ sở lưu trú du lịch ở trung tâm TP kín phòng trong dịp 30-4 cho thấy mô hình Aibnb đã đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ lưu trú đối với du lịch TP. Do đó cần xây dựng cơ chế quản lý hoạt động Airbnb. Theo đó chủ hộ phải đăng ký kinh doanh, có đóng thuế và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và quy định của từng chung cư.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea), cho biết trong văn bản kiến nghị về việc sửa đổi quyết định 26 liên quan đến quản lý, vận hành chung cư tại TP.HCM, hiệp hội này đề nghị cần đưa hoạt động khai thác căn hộ dùng làm cơ sở lưu trú trong nhà chung cư vào quản lý thay vì cấm đoán.

Theo đó tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về du lịch. Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật…

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn – giám đốc một doanh nghiệp địa ốc ở TP Thủ Đức, cần xây dựng nền tảng công nghệ cho phép chủ nhà chấm điểm đối với khách sử dụng dịch vụ Aibnb. Nếu khách thuê vi phạm các quy định tiếng ồn, vệ sinh… sẽ bị đưa vào blacklist (danh sách đen). Khi đó du khách này sẽ gặp khó trong việc sử dụng dịch vụ này.

Đưa vào quản lý sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, chủ tịch HĐQT Golden Smile Travel (Golden Smile Corporation), cho rằng dịch vụ Airbnb đang được phát triển mạnh trên thế giới. Do đó cần đưa hoạt động này vào quản lý sao cho vừa hỗ trợ ngành du lịch vừa không gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống trong chung cư và ngân sách có thêm nguồn thu thuế.

“Cần tập huấn cho người làm kinh doanh mô hình này để phục vụ hiệu quả, thúc đẩy phát triển ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch TP.HCM nói riêng”, ông Phương nói. Một chuyên gia du lịch cho biết mỗi khi vào TP.HCM, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè hoặc lễ hội, gia đình ông đều chọn lưu trú từ Aibnb do thuận tiện cho sinh hoạt chung và chi phí rẻ hơn.

Do đó, thay vì cấm khai thác căn hộ cho thuê lưu trú ngắn hạn trong chung cư, TP.HCM nên tìm ra mô hình quản lý phù hợp. Theo đó có thể đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn, an ninh, trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ thuế…

Đặc biệt chủ nhà phải đăng ký kinh doanh hoặc khai báo với chính quyền địa phương, cấp mã số quản lý cho từng địa điểm, giúp cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, quản lý và xử lý khi có sự cố phát sinh.

“Nếu quản lý tốt, Airbnb sẽ thúc đẩy du lịch và thu về nguồn ngân sách cho TP, phát triển du lịch, hài hòa lợi ích cho người sở hữu chung cư”, vị này nói.