Từ công nghệ giải trình tự gen đến AI, bán dẫn, các “ông lớn” công nghệ cao Mỹ liên tục đẩy mạnh hiện diện Việt Nam thời gian gần đây.
Trung tuần tháng 4, công ty công nghệ khoa học sự sống PacBio trụ sở California (Mỹ) chọn Đà Nẵng để tổ chức Hội nghị khoa học gen thường niên có tên PRISM. Đây là lần đầu tiên Việt Nam trở thành nơi tổ chức sự kiện quy tụ các chuyên gia quốc tế đến thảo luận về tiến bộ của công nghệ giải trình tự gen.
Giải trình tự gen là phương pháp xác định chuỗi nucleotide của các gen cụ thể, giúp “đọc” bộ mã di truyền của sinh vật. Công nghệ này ứng dụng trong y học để phát hiện mầm bệnh; chẩn đoán bệnh di truyền hay cải tiến quy trình canh tác, nuôi trồng trong ngành nông nghiệp.
Ông Jason Kang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của PacBio nhìn thấy tương lai rộng mở để cung cấp các giải pháp công nghệ gen này. “Mảng thuốc và dược sinh học dự báo sẽ thu hút thêm nhiều công ty đa quốc gia. Song song đó, Việt Nam có nền tảng nông nghiệp lâu đời, nên việc phát triển các công nghệ tiên tiến, chính xác cao rất quan trọng cho tương lai của ngành”, ông Khang nêu.

Ông Jason Kang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của PacBio phát biểu tại PRISM 2025, Đà Nẵng, ngày 15/4. Ảnh công ty cung cấp
Không chỉ mở rộng thị trường, cung ứng giải pháp, hàng loạt “ông lớn” của Mỹ thời gian gần đây xúc tiến các hoạt động gia công, đầu tư hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao.
Đầu tháng 4, Qualcomm công bố mua lại MovianAI – công ty con chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh (genAI) của VinAI. Đây là thông tin M&A lĩnh vực AI nổi bật thứ 2 của doanh nghiệp Mỹ, sau thương vụ Nvidia mua lại VinBrain – công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup cuối năm ngoái.
Gặp với Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng hồi giữa tháng này, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kỹ thuật Qualcomm Jilei Hou còn nêu mong muốn xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn thứ 3 thế giới tại Việt Nam, chuyên về AI. Ở lĩnh vực bán dẫn, Intel đầu tháng 4 nói muốn tìm thêm nhà cung ứng tại Việt Nam.
Hay với ngành hàng không vũ trụ, cuối năm ngoái, Reuters cho hay nhà máy Wistron ở Hà Nam bắt đầu gia công linh kiện mới cho công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Cùng giai đoạn, nhà máy KP Vina sản xuất linh kiện cho Boeing cũng đi vào hoạt động ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam – Chi hội Đà Nẵng (AmCham Đà Nẵng) Christopher Vanloon nói rằng 27 năm trước khi lần đầu đến Việt Nam, điều ông ấn tượng là những chiếc ghế nhựa và quán bia. Còn ngày nay, nơi đây đã sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ cho Starlink. “Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, bứt phá mạnh mẽ trong các lĩnh vực như sinh học di truyền, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ và đặc biệt là bán dẫn”, ông nhận xét.
Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài Chính), Mỹ là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 10 trong quý đầu năm nay, tăng 2 bậc so với cùng kỳ 2024. FDI từ nước này đạt 148 triệu USD, tăng gần 93%. Cùng với đó, dữ liệu của Cục Hải quan cho biết, nhập khẩu hàng Mỹ cũng tăng hơn 21%, đạt trên 4 tỷ USD.
Ông Travis Mitchell, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam cho biết cuối năm ngoái, tổ chức này đã khảo sát các hội viên và xác định 3 cơ hội lớn tại Việt Nam gồm tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng nội địa, tiến trình cải cách kinh tế được cập nhật và gia tăng tầng lớp trung lưu.
Theo báo cáo “Đầu tư đổi mới sáng tạo và vốn tư nhân Việt Nam 2025” của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), Việt Nam là điểm đến chiến lược của dòng vốn công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Điều này nhờ chiến lược sản xuất định hướng xuất khẩu và dòng vốn chuyển dịch vào các lĩnh vực tạo giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng trong nước cũng bùng nổ nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và khá giả.
Ông Christopher Vanloon nói những cộng sự người Việt ở độ tuổi 40, 50 thường có thói quen tiết kiệm. Nhưng thế hệ con cái của họ hiện đại và sành điệu như bất kỳ người tiêu dùng nào ở Malaysia hay Thái Lan. “Họ chi tiêu nhiều hơn, quan tâm đến sức khỏe, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống”, ông nói.
Theo các chuyên gia, Chính phủ đang chủ động trong kiến tạo môi trường thuận lợi cho các bước đột phá kinh tế tiếp theo, tập trung vào hiện đại hóa, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo của NIC và BCG, những yếu tố cốt lõi này giúp Việt Nam thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Jason Kang tại PacBio khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng nhận thấy Việt Nam ngày càng chú trọng đến công nghệ cao. “Tôi ấn tượng với TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng – những đô thị lớn chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế. Tôi tin vào một tương lai công nghệ rực rỡ tại Việt Nam”, ông nói.
Riêng về công nghệ gen – lĩnh vực mà PacBio đang hoạt động – Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 21-22% mỗi năm giai đoạn 2019–2023, theo dữ liệu từ công ty phát triển thị trường DKSH (Thụy Sĩ), đối tác phân phối chính của PacBio tại khu vực.
Theo DKSH, với định hướng rõ ràng, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ dành cho công nghệ sinh học, Việt Nam trở thành điểm đến để kết nối các góc nhìn đa dạng trong khu vực, thúc đẩy trao đổi tri thức và phát triển khoa học.
NIC và BCG thì đánh giá Việt Nam “đi đầu trong cuộc cách mạng số và AI”, với nền kinh tế số quy mô 36 tỷ USD và dự báo duy trì tăng trưởng hai chữ số.

Nhân viên làm việc trong nhà máy Intel Products Việt Nam. Ảnh công ty cung cấp
Ông Kenneth Tse, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam cho rằng khi thế giới nhận ra tầm quan trọng của một chuỗi cung ứng đa dạng về địa lý và vững chắc, nhiều cơ hội mở ra cho Việt Nam. Bởi nơi đây hội tụ lực lượng lao động trẻ và tài năng, chính phủ tập trung phát triển công nghệ cao, cùng môi trường chính trị – xã hội ổn định.
Chủ tịch AmCham Đà Nẵng xác nhận nguồn nhân lực là điểm mạnh. “Chính phủ Việt Nam đang tập trung đầu tư vào giáo dục công nghệ, đặc biệt là tiếng Anh – yếu tố then chốt trong hội nhập công nghệ toàn cầu”, ông Christopher nêu.
Tuy nhiên, để thu hút thêm các “đại bàng” công nghệ cao từ Mỹ, vẫn cần thêm một số cải thiện. CEO AmCham Việt Nam chỉ ra 3 thách thức chính với doanh nghiệp Mỹ trong khảo sát cuối năm ngoái gồm các thủ tục hành chính phức tạp, vấn đề phát triển nguồn nhân lực và sự thiếu hụt hạ tầng.
Ông Kenneth Tse lý giải ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ cao toàn cầu chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam, sẽ tạo ra cạnh tranh gay gắt về nhân tài. Ngoài ra, khi Việt Nam phát triển trong ngành công nghiệp cao, cơ sở hạ tầng như sản xuất và cung cấp điện, đường bộ cao tốc cần đi trước một bước. Cùng với đó, giới doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng thêm các chính sách hỗ trợ về thuế, thủ tục.
“Việc có cơ chế một cửa sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp FDI hiện tại, đồng thời thu hút thêm các công ty mới vào Việt Nam”, ông Kenneth Tse ví dụ.
Viễn Thông