Một số cá voi săn mồi ở vùng biển Vũng Bồi, Gia Lai và Mũi Điện, Đăk Lăk, nhiều ngày qua khiến người dân và du khách thích thú.
Ngày 1/7, nhiều ngư dân nhìn thấy cặp cá voi mẹ con đang săn mồi gần bờ tại vùng biển Vũng Bồi, xã An Lương, tỉnh Gia Lai (trước đây là xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cũ).

Cặp cá voi mẹ và con săn mồi gần bờ biển Vũng Bồi, Gia Lai. Ảnh: Hiếu Nghĩa
Cá mẹ dài khoảng 10 m, cá con dài 6-7 m. Khi cá ngoi lên mặt nước, đàn chim biển bay lượn phía trên để tranh thủ săn mồi theo, tạo nên cảnh tượng kỳ thú. Hình ảnh cặp cá voi thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cùng ngày, tại khu vực Mũi Điện, Đăk Lăk (Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cũ), anh Nguyễn Kim Phụng, 32 tuổi, đã quay lại khoảnh khắc một cá voi lớn ngoi lên mặt nước săn mồi vào lúc sáng sớm. “Dù chỉ thấy khoảng 5 phút, tôi rất bất ngờ vì đây là lần đầu tiên tận mắt chứng kiến cá voi săn mồi gần bờ”, anh Phụng nói.
Theo Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES), loài cá voi xuất hiện tại khu vực này thuộc họ Bryde (Balaenoptera edeni) – một trong những động vật biển quý hiếm. Khác với nhiều loài cá voi thường sống theo đàn, cá voi Bryde có tập tính săn mồi đơn lẻ hoặc theo nhóm nhỏ trong cùng gia đình.

Đàn chim biển đớp mồi ở miệng cá voi ở biển Gia Lai. Ảnh: Hiếu Nghĩa
Từ năm 2022 đến nay, cá voi Bryde thường xuyên bơi dọc vùng biển ven bờ của tỉnh Bình Định cũ, như Vũng Bồi (Phù Mỹ), Đề Gi (Phù Cát), Hòn Sẹo (TP Quy Nhơn) và Mũi Gành (thị xã Hoài Nhơn). Từ tháng 6 năm nay, cá voi quay lại và liên tục săn mồi ở Phù Mỹ và Nhơn Hải.
Ông Vũ Long, chuyên gia của CBES, cho biết cá voi là loài nhạy cảm với môi trường, chỉ xuất hiện ở khu vực có nguồn thức ăn dồi dào. Vào mùa hè, dòng nước ấm từ phía Nam mang theo phù du và cá nhỏ – nguồn thức ăn ưa thích của cá voi.
“Việc cá voi Bryde xuất hiện trở lại nhiều lần trong những năm gần đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự hồi phục của hệ sinh thái biển”, ông Long nói.
Gia Lai và Đăk Lăk sau sáp nhập có đường bờ biển dài lần lượt là 134 km và 189 km, kế thừa tỉnh Bình Định và Phú Yên cũ.
Phạm Linh