Chính phủ đề xuất bổ sung vào dự toán ngân sách 2025 hơn 4.327 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại, trong đó, Bộ Y tế có gần 4.081 tỷ để quyết toán viện trợ chống dịch.
Ngày 19/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn nước ngoài viện trợ không hoàn lại 2024) năm 2025.
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất bổ sung hơn 4.327 tỷ đồng từ nguồn này vào dự toán thu ngân sách trung ương 2025. Khoản này sẽ được bổ sung tương ứng dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương.
Trong đó, Bộ Y tế dự kiến được bổ sung gần 4.081 tỷ đồng, còn lại là các bộ, ngành khác. Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường gần 127 tỷ đồng để chi hỗ trợ bão Yagi. Bộ Khoa học và Công nghệ được bổ sung gần 19,2 tỷ đồng cho giáo dục đào tạo, dạy nghề. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gần 4,4 tỷ đồng…
TP Đà Nẵng và tỉnh Sơn La được đề nghị bổ sung lần lượt trên 11,7 tỷ đồng và gần 8,9 tỷ đồng để chi đảm bảo xã hội và kinh tế trên địa bàn.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội
Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho biết khi thẩm tra, Thường trực cơ quan này nhất trí với phương án trình của Chính phủ. Khoản gần 4.081 tỷ đồng dự kiến bổ sung cho Bộ Y tế để quyết toán hàng viện trợ phòng chống dịch bệnh. Số tiền này đã được Bộ Tài chính quyết toán năm 2022 và Kiểm toán Nhà nước kiểm toán.
Với các cơ quan, bộ khác, theo ông Mãi, nguyên nhân xin bổ sung do phát sinh các dự án viện trợ mới sau thời điểm trình các cấp có thẩm quyền “chốt” dự toán kế hoạch ngân sách 2025. Vì vậy, các khoản thu – chi viện trợ không hoàn lại này cần được bổ sung vào dự án toán để có căn cứ pháp lý thực hiện.
Tuy vậy, một số ý kiến khác cho rằng việc Chính phủ mới có tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội là chậm, trong khi một số cơ quan, địa phương đã xin bổ sung từ tháng 3/2024. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân và rút kinh nghiệm trong trình bổ sung dự án toán các năm sau.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm về tính chính xác, nội dung đề xuất và đảm bảo việc bổ sung ngân sách này đúng định mức, không để xảy ra thất thoát, lãng phí và tiêu cực.
Dự kiến, Quốc hội thảo luận ở tổ nội dung này ngày 22/5, hội trường 18/6.