
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp về dự thảo nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật – Ảnh: VGP
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu như vậy khi kết luận tại cuộc họp với các bộ, ngành về dự thảo nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật trong chăn nuôi (dự thảo), ngày 24-4.
Theo dự thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) xây dựng, dự kiến mức hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng từ 1,5-2 lần so với trước.
Mức hỗ trợ này dựa trên cơ sở khảo sát về chi phí chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực tế hiện nay, có tính đến trượt giá, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và theo nguyên tắc “Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, không đền bù thiệt hại”.
Mức hỗ trợ cho người tham gia chống dịch đối với người không hưởng lương được xây dựng cơ bản phù hợp với mặt bằng tiền công lao động phổ thông và tính độc hại, nguy hiểm của công việc, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, dại, nhiệt thán…
Tại cuộc họp, phó thủ tướng nhấn mạnh diễn biến dịch bệnh, nhất là trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, vẫn còn rất phức tạp.
Đồng thời công tác phòng dịch còn bộc lộ những hạn chế như thiếu sự chủ động, chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý, giao nhiệm vụ.
“Nghị định này cần thể hiện sự đổi mới trong tư duy, phương pháp, cách làm, cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh so với trước đây” – phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát toàn diện dự thảo nghị định, đảm bảo tên gọi, phạm vi và đối tượng điều chỉnh phù hợp với nội dung cốt lõi là chống dịch và hỗ trợ khắc phục thiệt hại.
Phó thủ tướng nhấn mạnh các chính sách liên quan đến chống dịch, hỗ trợ khắc phục thiệt hại phải được hoàn thiện, tích hợp đầy đủ vào nghị định, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và tránh chồng chéo.
Đặc biệt, cần làm rõ quy trình triển khai hoạt động chống dịch tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp.
Trong đó các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp phải có lực lượng chống dịch được đào tạo bài bản, “đúng người, đúng việc”.
Còn khi dịch bệnh xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì cơ quan chuyên môn ở địa phương như thú y, môi trường, y tế dự phòng chịu trách nhiệm tham mưu, huy động, điều phối lực lượng chống dịch.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục nghiên cứu quy định về bảo hiểm trong chăn nuôi, nhất là với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, các chuỗi sản xuất, không để tình trạng “có lãi thì hưởng, có dịch bệnh thì để Nhà nước lo”.