Báo cáo Quốc hội loạt cơ chế đặc thù xây nhà xã hội

Ngày 20/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Chính phủ đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Cụ thể, với dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép giao chủ đầu tư mà không cần đấu thầu.

Các tiêu chí ưu tiên lựa chọn chủ đầu tư gồm: có chức năng kinh doanh bất động sản; đảm bảo về dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu; có đủ vốn chủ sở hữu theo quy định; đồng thời có kinh nghiệm và năng lực tài chính phù hợp. Ngoài ra, dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn nhiều thủ tục như lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; không phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật.

Việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng. Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn.





Khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Nới điều kiện mua nhà ở xã hội

Theo quy định hiện hành, người được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải chưa sở hữu nhà ở tại tỉnh, thành phố nơi có dự án; chưa từng mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp đã có nhà, diện tích bình quân đầu người phải thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.

Tuy nhiên quy định này bộc lộ nhiều bất cập. Tại các địa phương có địa giới hành chính rộng, nhiều người lao động có nhà ở tại vùng nông thôn nhưng làm việc tại đô thị, khu công nghiệp cách xa. Họ có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống, nhưng không đáp ứng điều kiện do đã sở hữu nhà ở trong tỉnh.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng khiến việc xác định đối tượng hưởng chính sách thêm phức tạp. Trước khi sáp nhập, một số người đủ điều kiện do không có nhà ở tại nơi có dự án; nhưng sau sáp nhập, họ lại không còn đủ điều kiện theo phạm vi hành chính mới.

Trước thực tế này, Chính phủ đề xuất tại các tỉnh, thành được sắp xếp lại, việc xác định điều kiện hưởng chính sách nên căn cứ theo địa giới hành chính trước thời điểm sắp xếp. Đồng thời, với người lao động có nhà ở nhưng làm việc xa nơi ở, chỉ cần chưa từng mua, thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hỗ trợ nhà ở là đủ điều kiện. Trong trường hợp đã có nhà, khoảng cách từ nhà ở đến nơi làm việc phải tối thiểu 30 km.

Sáng 20/5, Quốc hội cũng sẽ nghe các tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Buổi chiều, Quốc hội về tổ để thảo luận về ba nội dung Chính phủ trình buổi sáng.

Sơn Hà