
Tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối từ trung tâm đến khu đô thị lấn biển Cần Giờ – Vinhomes Green Paradise – Tập đoàn Vingroup – Phối cảnh: Tập đoàn Vingroup
Các quận huyện có dự án đi qua gồm Nhà Bè, quận 7 và Cần Giờ vừa có văn bản gửi Sở Tài chính TP.HCM về thẩm định và có ý kiến đối với nội dung đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án này do Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư.
Đường sắt đô thị tốc độ cao dài 48,5km, điểm đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man), điểm cuối giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ). Hai depot dự kiến được bố trí ở quận 7 tại khu đất 20ha và khu đất 39ha, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.
Về chủ trương đầu tư, UBND huyện Nhà Bè nhận thấy việc thực hiện dự án đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ là phù hợp với định hướng quy hoạch chung đang được đề xuất điều chỉnh của thành phố.
Phương án hướng tuyến đề xuất cũng phù hợp với định hướng quy hoạch.
Tuy nhiên huyện kiến nghị cần rà soát, xem xét lại hướng tuyến đoạn từ nút giao đường Kho B nối dài đến đoạn băng sông Soài Rạp để giảm ảnh hưởng đến khu vực dân cư và các dự án đã và đang triển khai. Đồng thời cần nghiên cứu và bố trí một nhà ga tại huyện Nhà Bè.
UBND huyện Cần Giờ cũng thống nhất với nội dung đề xuất đầu tư và cho rằng dự án là một phần trong việc triển khai nghị quyết 98 và cũng là động lực phát triển cho địa phương theo tinh thần nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cơ bản thống nhất đề xuất của nhà đầu tư nhằm tăng năng lực giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, UBND quận 7 góp ý thêm khu vực đề xuất depot tại quận 7 là công viên Hương Tràm thuộc phường Bình Thuận có diện tích 21,2ha. Do đó các cơ quan liên quan cần có phương án cân đối để triển khai công viên cây xanh tại khu vực này.
Quận 7 cũng đề nghị cập nhật trước tuyến đường sắt cùng chức năng sân bãi hạ tầng kỹ thuật (depot) vào đồ án quy hoạch chung TP làm cơ sở đầu tư phù hợp quy hoạch. Đối với công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, quận đề xuất hoàn chỉnh pháp lý trong năm 2025, thực hiện công tác bồi thường năm 2026 (trong trường hợp có thu hồi đất của cá nhân và tổ chức).
Vingroup sẽ thu xếp toàn bộ vốn làm đường sắt tốc độ cao đi Cần Giờ
Để thực hiện dự án đường sắt đô thị tốc độ cao đi Cần Giờ, Tập đoàn Vingroup đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).
Vingroup sẽ chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn để thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trong suốt thời hạn của dự án trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuyến đường sắt được đầu tư theo quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa với chiều dài tuyến chính khoảng 48,5km, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Năng lực chuyên chở hành khách đáp ứng 30.000 – 40.000 người/hướng mỗi giờ.