Áp thuế từ Mỹ: Doanh nghiệp FDI không sợ khó, chỉ mong được hỗ trợ chính sách

Khu Công nghệ cao TP.HCM - Ảnh 1.

Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: ĐỨC THIỆN

Tại hội nghị “Khu công nghệ cao trước tác động chính sách thuế quan của Mỹ” do Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức ngày 18-4, ông Kenneth Tse – phó chủ tịch, tổng giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam – khẳng định Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất quan trọng.

Cần tận dụng nghị quyết 98

Theo ông Kenneth Tse, Tập đoàn Intel cam kết duy trì sự hiện diện của mình tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận những đóng góp của người lao động và lợi thế chiến lược mà Việt Nam mang lại.

Để nâng cao hơn khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thế giới năng động hiện nay, đại diện Intel đề xuất TP.HCM cần tận dụng nghị quyết 98 để đưa ra các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư hiện tại cũng như nhà đầu tư mới.

Theo ông, điều này đặc biệt quan trọng đối với ngành công nghệ cao, vốn là nền tảng cho sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế.

“Bằng cách thực hiện các ưu đãi và chính sách phù hợp, thành phố có thể tạo lập một môi trường khuyến khích đầu tư, thúc đẩy tiến bộ công nghệ và hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp tiên tiến”, ông Kenneth Tse nhận định.

Bên cạnh đó, vị đại diện của Intel cũng mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục giảm bớt các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa các thủ tục, tối ưu hóa quy trình…

Ông Kenneth Tse bày tỏ mong muốn các bên tiếp tục hợp tác, tận dụng thế mạnh và giải quyết các thách thức với tinh thần hợp tác để đảm bảo Việt Nam vẫn là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh dẫn đầu trong bối cảnh sản xuất toàn cầu đầy biến động.

Ưu tiên nội địa hóa sản phẩm

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp cho biết dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao 46%, song một số doanh nghiệp đã chịu những tác động khi đối tác giảm đơn hàng. Do đó các doanh nghiệp phải tối ưu hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác mới…

Ngoài ra các doanh nghiệp cũng đề xuất ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ cao sản xuất trong nước hoặc ngay trong khu công nghệ cao để tạm thời giải quyết các thách thức ngắn hạn.

TS Phạm Bình An – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM – cho rằng về mặt chính sách, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các quyết định về đầu tư, đặc biệt thu hút FDI công nghệ cao từ Mỹ. 

Đồng thời, tăng cường kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu từ nước thứ ba để tránh gian lận xuất xứ và tận dụng nghị quyết đặc thù của TP để xây dựng các chính sách thu hút đầu tư.

Cơ hội để tái cấu trúc mô hình tăng trưởng xuất khẩu

Ông Lê Quốc Cường – phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM – cho hay trong quý 1 giá trị xuất khẩu tại Khu công nghệ cao là 115.381 tỉ đồng, giá trị nhập khẩu là 116.516 tỉ đồng.

Theo ông Cường, chính sách thuế quan mới của Mỹ không chỉ là rào cản thương mại, mà còn là chất xúc tác cho sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và dịch chuyển địa chiến lược trong các ngành công nghiệp cốt lõi.

Cũng theo ông Cường, tình huống này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc mô hình tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, bảo vệ việc làm và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế thành phố trước các cú sốc bên ngoài.

Đồng thời đây cũng là cơ hội để TP.HCM đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, số hóa, sáng tạo, tự chủ hơn; tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm.