Nhật Bản chao đảo vì giá gạo tăng vọt 98%, lạm phát lõi vượt mốc 3,5%

Nhật Bản - Ảnh 1.

Tấm biển được đặt tại kệ gạo của một cửa hàng ở Nhật Bản với nội dung xin lỗi khách hàng vì phải giới hạn mỗi người chỉ được mua một bao gạo – Ảnh: AFP

Theo số liệu chính thức công bố ngày 22-5, tỉ lệ lạm phát lõi của Nhật Bản trong tháng 4 đã tăng lên 3,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong hơn hai năm qua và vượt dự báo của thị trường (3,4%). 

Đây cũng là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1-2023 khi chỉ số giá tiêu dùng lõi tăng 4,2%. Chỉ số này loại trừ các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm tươi sống nhưng đã bao gồm giá dầu, phản ánh áp lực lạm phát dai dẳng đang đặt ra thách thức cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Đây là tháng thứ 37 liên tiếp lạm phát lõi vượt ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ, khiến kỳ vọng về một đợt nâng lãi suất mới vào cuối năm ngày càng tăng cao.

“Áp lực lạm phát cơ bản vẫn rất mạnh, bất chấp việc chính phủ đã giảm học phí trung học công lập. Chúng tôi tin rằng BoJ sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 10 tới, trái ngược với dự báo phổ biến trên thị trường cho rằng căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ khiến BoJ trì hoãn nâng lãi suất”, ông Marcel Thieliant, Trưởng bộ phận châu Á – Thái Bình Dương của Capital Economics, nhận định.

Lạm phát thực phẩm – một trong những nguyên nhân chính của đợt tăng giá – đã tăng vọt lên 7% trong tháng 4, từ mức 6,2% của tháng trước. Đáng chú ý, giá gạo đã tăng tới 98,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng kỷ lục trong nhiều thập kỷ. 

Nguyên nhân chính bao gồm mùa vụ thu hoạch kém do thời tiết nóng bất thường năm 2023, tình trạng mua tích trữ do lo ngại về siêu động đất, sự gia tăng tiêu thụ do lượng khách du lịch kỷ lục và tình trạng thương nhân tích trữ gạo, theo Hãng tin AFP.

Tình trạng giá gạo tăng cao đã khiến chính phủ phải giải phóng kho dự trữ khẩn cấp để ổn định thị trường. 

Vấn đề này cũng dẫn đến làn sóng phẫn nộ trong dư luận khi Bộ trưởng Nông nghiệp Taku Eto phải từ chức sau phát ngôn gây tranh cãi rằng ông “chưa bao giờ phải mua gạo vì các nhà tài trợ tặng nhiều đến mức có thể bán lại”.

Mặc dù lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, BoJ vẫn đang phải đối mặt với thế lưỡng nan: thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế giá cả, hay duy trì lập trường thận trọng nhằm tránh làm tổn thương tăng trưởng kinh tế vốn đã phải chịu áp lực từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Các mức thuế cao do Mỹ đặt ra cho Nhật Bản nói riêng và thị trường thế giới nói chung đang tạo ra tình trạng bất ổn thương mại toàn cầu, buộc BoJ phải cân nhắc kỹ về thời điểm và mức độ nâng lãi suất tiếp theo.

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu lạm phát – đặc biệt là giá lương thực – không hạ nhiệt, BoJ sẽ khó tránh khỏi việc phải tăng lãi suất trong những tháng tới.