Thanh tra xây dựng sai sót, 45 hộ nguy cơ mất nhà

TP HCMChủ đầu tư xây dựng 45 căn hộ trên đất sai phép ở quận 12 nhưng không bị thanh tra, xử lý, dẫn đến hàng loạt người mua nhà để ở sau nhiều năm bị buộc phải tháo dở.

Ông Lê Sĩ Trị, 70 tuổi, sống trong căn hộ 27 m2 tại hẻm khu phố 5, đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân (quận 12, TP HCM) từ năm 2017. Sắp tới, ông buộc phải di dời, tháo dỡ nhà do vi phạm trật tự xây dựng. Căn hộ của ông nằm trong cụm 45 ngôi nhà xây dựng trên cùng một thửa đất, thuộc diện cưỡng chế giải tỏa suốt ba năm qua.

Tám năm trước, khi hai con tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm tại TP HCM, ông Trị bán nhà ở Đà Nẵng để chuyển vào sinh sống. Sau thời gian tìm kiếm, ông mua căn nhà rộng 3 m, dài 9 m, gồm một trệt, một lầu, hai phòng ngủ và hai nhà vệ sinh, với giá 660 triệu đồng.





Ông Trị đứng trong căn nhà rộng 27 m2 được mua từ năm 2017, sắp phải tháo dở do vi phạm xây dựng. Ảnh: Đình Văn

Ông Trị đứng trong căn nhà rộng 27 m2 được mua từ năm 2017, sắp phải tháo dỡ do vi phạm xây dựng. Ảnh: Đình Văn

Căn hộ vùng ven được xây theo kiểu nhà liền kề, gồm hai khối, có hẻm rộng khoảng 2 m dẫn vào, nằm cạnh con rạch, cách đường lớn khoảng 500 m. Vị trí thuận tiện di chuyển là lý do gia đình ông Trị chọn làm nơi an cư sau hơn 60 năm sinh sống tại quê nhà.

Trước khi mua nhà, ông Trị đến phường tìm hiểu hồ sơ pháp lý khu đất, được chủ đầu tư cho xem giấy phép xây dựng hợp lệ. Giao dịch sau đó được thực hiện thông qua vi bằng có công chứng. “Chủ đầu tư cam kết sau khoảng một năm sẽ giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ”, ông nói. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, ông vẫn không nhận được giấy tờ dù đã nhiều lần liên hệ với bên bán.

Tháng 3/2022, ông Trị nhận thông báo từ UBND quận 12 về việc căn nhà của ông vi phạm trật tự xây dựng, sai nội dung giấy phép được cấp. Một tháng sau, chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình để khắc phục hậu quả. Ông Trị sau đó nộp đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng, đề nghị tạm hoãn việc cưỡng chế cho đến nay.

Chung hoàn cảnh với ông Trị, chị Minh Phương, 35 tuổi, lo lắng mất nơi ở khi căn nhà bốn người trong gia đình đang sinh sống bị buộc tháo dỡ. Chị là người đầu tiên mua nhà trong dãy liền kề, từ khi công trình vừa hoàn thiện phần thô vào tháng 10/2016. Trước khi đặt cọc và thanh toán toàn bộ số tiền, chị đã đến UBND phường Thạnh Xuân gặp cán bộ địa chính để xác minh nguồn gốc đất, tính pháp lý và các vấn đề tranh chấp liên quan và được cho biết nguồn gốc đất không bị tranh chấp, không vướng quy hoạch.





Dãy nhà liền kề khang trang hoàn công từ năm 2017 đến năm 2022 bị xác định vi phạm xây dựng. Ảnh: Đình Văn

Dãy nhà liền kề khang trang hoàn công từ năm 2017 đến năm 2022 bị xác định vi phạm xây dựng. Ảnh: Đình Văn

Theo chị Phương, việc mua bán ban đầu được thực hiện qua vi bằng, với cam kết từ chủ đầu tư rằng sau khi hoàn công, “5 căn nhà liền kề sẽ được cấp chung một giấy chứng nhận quyền sở hữu”. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, chị vẫn chưa nhận được giấy tờ pháp lý hợp lệ cho căn nhà. Ngược lại, chị đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến UBND và cơ quan công an.

Chị cho rằng nếu trong quá trình xây dựng gặp vấn đề, lực lượng chức năng buộc dừng thì dãy nhà đã không thể hình thành để chủ đầu tư bán lại cho người dân. “Khi mua, tôi đã xem kỹ giấy phép xây dựng của chủ đầu tư. Nay phát sinh sai phạm, tôi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo từ phía bên bán”, chị nói.

Căn nhà của ông Trị và chị Phương là hai trong số 45 căn nhà bị Sở Xây dựng xác định vi phạm trên cùng một khu đất 2.900 m2. Trong đó, có 8 căn ở mặt tiền đường TX21, nằm dọc kênh, 37 ngôi nhà còn lại chia làm hai dãy nằm trong hẻm ở phía sau. Nhiều năm qua, sau khi được thông báo nhà ở vi phạm xây dựng, buộc tháo dỡ, các hộ dân đã làm đơn tố cáo chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến công an và Sở Xây dựng.

Theo kết luận giải quyết tố cáo của Sở Xây dựng TP HCM, chủ đầu tư các căn nhà không thực hiện việc thông báo khởi công công trình theo quy định. Về phía Đội Thanh tra địa bàn quận 12, cơ quan này không tiến hành kiểm tra sau khi công trình được cấp phép xây dựng, cũng không phối hợp để dừng thi công khi phát hiện vi phạm.





48 căn hộ vi phạm xây dựng bị buộc tháo dỡ được chia làm 3 dãy. Một dãy 8 căn nằm ở mặt tiền đường ven kênh, hai dãy phía sau có 40 căn liền kề với thiết kế tương tự. Ảnh: Đình Văn

45 căn hộ vi phạm xây dựng bị buộc tháo dỡ được chia làm 3 dãy. Một dãy 8 căn nằm ở mặt tiền đường ven kênh, hai dãy phía sau có 37 căn liền kề với thiết kế tương tự. Ảnh: Đình Văn

Lãnh đạo Đội thanh tra địa bàn quận 12, công chức, thanh tra viên phụ trách địa bàn khu phố 5 (phường Thạnh Xuân) trong giai đoạn 2016-2022 cũng bị xác định đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong việc tuần tra, ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình trên. Từ đó, tạo điều kiện cho chủ đầu tư đã hoàn thành công trình sai phép dẫn đến hậu quả vi phạm khó khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Quyên, Phó chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân cho biết, khu nhà ở gồm 45 căn hộ nói trên do ông Lý Minh Chính, 70 tuổi là chủ đầu tư, xây dựng theo giấy phép tạm đã hoàn thiện và bán cho nhiều hộ dân vào ở từ năm 2017.

Tháng 4/2022, UBND quận 12 xác định công trình vi phạm trật tự xây dựng và ban hành quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc cưỡng chế chưa thực hiện do chủ sở hữu có đơn khiếu nại.

Theo ông Quyên, việc mua bán nhà thông qua hình thức lập vi bằng giữa các hộ dân và chủ đầu tư là không đúng quy định. Phường đã hướng dẫn người dân liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.

Đối với kế hoạch cưỡng chế công trình vào ngày 29/5 tới, ông Quyên cho biết phường đã tạm hoãn để Công an TP HCM xử lý vụ án hình sự liên quan. “Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của người dân và sẽ phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để hỗ trợ”, ông nói.

Đình Văn