Heo giống Mỹ mất khách vì thương chiến

Ngành xuất khẩu heo giống của Mỹ mất khách hàng lớn Trung Quốc khi căng thẳng thuế quan giữa hai nền kinh tế diễn ra.

Tháng trước, đàn heo trị giá 2.500-5.000 USD mỗi con của TS Mike Lemmon chuẩn bị được đưa lên máy bay từ St. Louis để vận chuyển đến Hàng Châu, thì bị khách hàng Trung Quốc hủy. Đơn hàng trị giá 2,4 triệu USD đã không thể thực hiện khi thương chiến Mỹ – Trung leo thang.

Kết quả, nhiều con trong số chúng được chuyển hướng vào lò mổ địa phương ở bang Indiana với giá chưa đến 200 USD mỗi con. “Thật kinh khủng khi điều đó xảy ra”, Lemmon nói, nhắc đến thương vụ bị hủy.

Trước đó, Mike yLemmon đã phải dành hơn một năm để chuẩn bị đàn heo cho khách Trung Quốc. Chúng được lai tạo cẩn thận để có sức khỏe tốt, lứa đẻ lớn và hàm lượng chất béo cao giúp thịt mềm, nhiều vân mỡ khi nấu chín.





Lợn con tại một trang trại ở bang Indiana. Mỹ. Ảnh: Indiana Pork

Heo con tại một trang trại ở bang Indiana. Mỹ. Ảnh: Indiana Pork

Heo giống là mảng ngách trong ngành công nghiệp chăn nuôi trị giá 37 tỷ USD của Mỹ. Họ bán giá cao những con có đặc điểm di truyền thuận lợi để sinh nhiều heo con khỏe mạnh, cho thịt chất lượng cao.

Trong đó, Trung Quốc là một trong những khách hàng mua heo giống và vật liệu di truyền gia súc khác lớn nhất của Mỹ. Thị trường béo bở này phát triển các năm qua nhưng đã dần khép lại tháng trước, khi Tổng thống Trump liên tục tăng thuế.

Nông dân và các nhà xuất khẩu Mỹ cho biết tình hình đã khiến họ mất hàng triệu USD và tổn hại các mối quan hệ thương mại mất nhiều năm gây dựng. Nỗi lo vẫn chưa tan sau khi Washington và Bắc Kinh đã đồng ý hoãn phần lớn thuế quan vào tuần trước. Doanh nghiệp cho rằng chính sách thương mại khó lường đã gây ra thiệt hại lâu dài và có thể khuyến khích Trung Quốc cùng các nhà mua lớn khác chuyển sang mua heo giống từ đối thủ nước ngoài, như Đan Mạch.

Tony Clayton, Chủ cơ sở xuất khẩu gia súc Clayton Agri-Marketing tại Missouri nói đang bị tổn hại về thương hiệu. “Tôi không biết làm sao có thể khôi phục lại tình hình. Đây là thiệt hại lâu dài”, ông nói.

Lemmon đã có kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành kinh doanh này. Ông đang nỗ lực khôi phục lại thỏa thuận với khách Trung Quốc trong thời gian tạm dừng áp thuế 90 ngày giữa hai nước. Đây là thị trường không thể bỏ qua với ngành heo giống Mỹ. Khoảng một nửa số con trên thế giới sống tại các trang trại ở nước này. Trung Quốc đã mua một lượng lớn heo giống Mỹ kể từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát làm xóa sổ hàng triệu con vào năm 2018.

Ngoài heo giống, các sản phẩm di truyền gia súc khác cũng gặp khó vì thương chiến. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu tinh dịch bò sữa lớn nhất từ Mỹ, họ từng mua một phần tư tổng số tinh dịch bò sữa nước này để thụ tinh nhân tạo. Nhưng “không một đơn vị tinh dịch nào được chuyển đến Trung Quốc lúc này”, Jay Weiker, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Quốc gia, cho biết.

Brittany Scott, chủ sở hữu SMART Reproduction Services chuyên về di truyền giống cừu và dê cho biết một số khách hàng nước ngoài đã hủy bỏ hợp đồng. Tiêu thụ sản phẩm đã trở nên khó khăn hơn kể từ khi ông Trump công bố các mức thuế quan diện rộng vào tháng 4 và Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trả đũa. Việc mất đi các đơn hàng là “một cú đấm thẳng vào bụng”, theo Scott.

Người phát ngôn Nhà Trắng, Kush Desai thì cho biết chính quyền đang “làm việc ngày đêm để đảm bảo hàng tỷ USD trong những cơ hội mới với các đối tác thương mại khác”. Trong lúc này, mặt hàng trên đành phải nằm lại tại cơ sở của bà ở Arkansas, được bảo quản đông lạnh trong các bình nitơ lỏng và chờ người mua.

Phiên An (theo Reuters)