‘Thanh tra đến đâu, hàng giả giấu đến đó’

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM cho rằng cơ chế thanh tra hiện nay thiếu linh hoạt, khiến việc xử lý hàng giả, hàng nhái thiếu hiệu quả.

Sáng 22/5, thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đánh giá dự luật tập trung kiểm soát nguy cơ lạm quyền, tiêu cực của lực lượng thanh tra, nhưng lại chưa có giải pháp tăng cường thực quyền để lực lượng này hoạt động hiệu quả hơn.

“Cơ chế hiện hành đang trói tay trói chân thanh tra, nhất là trong những vụ việc cần hành động bất ngờ như kiểm tra sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả”, bà nói.

Nữ đại biểu dẫn chứng việc thanh tra thường phải thực hiện theo kế hoạch định sẵn, công khai từ đầu năm, phải thông báo trước cho đối tượng được thanh tra. Chính điều này đã làm mất đi yếu tố bất ngờ – yếu tố sống còn trong các vụ thanh tra hàng giả. Thực tế thời gian qua, “thanh tra đi đến đâu, hàng hóa bị giấu sạch đến đó”, “rất khó bắt quả tang khi thanh tra mà rầm rộ thông tin”.





Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ngoài ra, bà Lan cũng chỉ ra tình trạng vi phạm hành chính không bị xử lý triệt để. Nhiều cá nhân, tổ chức sau khi bị xử phạt hành chính thì không nộp phạt, thậm chí lập cơ sở mới để hoạt động trở lại mà chưa có chế tài ngăn chặn hiệu quả.

Từ thực tế này, bà kiến nghị sửa luật theo hướng trao thêm quyền chủ động cho lực lượng thanh tra, nhất là trong các trường hợp cần kiểm tra đột xuất.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng) không đồng tình với quy định “kế hoạch thanh tra phải lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ và báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh trước khi ban hành”. Bà cho rằng quy trình này không phù hợp tinh thần phân cấp, phân quyền trong cải cách hành chính.

Theo bà, Chính phủ hiện đã ban hành định hướng công tác thanh tra hàng năm; các tỉnh căn cứ tình hình thực tế để phê duyệt kế hoạch thanh tra là đủ. Việc lấy ý kiến thêm một lần nữa sẽ kéo dài thủ tục không cần thiết. Do đó bà đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa để đảm bảo tính chủ động cho địa phương.

Lo ngại thời gian thanh tra quá dài

Theo dự thảo, cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành có thời hạn không quá 60 ngày làm việc; trường hợp phức tạp có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; nếu đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai, cũng không quá 30 ngày. Như vậy, tổng thời gian có thể lên tới 120 ngày làm việc. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng thời hạn thanh tra kéo dài quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) lo ngại quy định này khiến thời gian thanh tra kéo dài không cần thiết. Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa) cho rằng việc kéo dài thời gian sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng bị thanh tra.

“Đặc biệt với thanh tra liên quan đến đơn thư khiếu nại, tố cáo thì việc xác minh, kết luận cần càng nhanh càng tốt, tránh gây kéo dài, ảnh hưởng tâm lý và hoạt động của tổ chức, cá nhân”, ông Hải nói.

Ông cũng lưu ý sau khi sắp xếp, tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra, không còn tổ chức thanh tra cấp bộ, sở, nhưng các đơn vị này vẫn làm nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, cần có quy định rõ để đảm bảo khi phát sinh vụ việc, các bộ, sở vẫn có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ và kết luận kịp thời.

Sơn Hà