
Hàng hóa được khách Việt đặt mua online trên sàn thương mại điện tử của Trung Quốc, được vận chuyển về Việt Nam – Ảnh: BÔNG MAI
Theo dự báo từ Amazon Global Selling Việt Nam, doanh số thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu ước tính đạt tăng trưởng 39% trong những năm tới, kỳ vọng vượt mức 8.000 tỉ đồng vào năm 2027.
Sự sôi động này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước đưa hàng ra quốc tế, mà còn tạo thuận lợi để người Việt mua sắm hàng ngoại online.
Mua online gấu bông, mì gói… từ nước ngoài
Mê gấu bông của hãng Jelly Cat (Anh), Thùy Anh (25 tuổi, TP.HCM) rất bức xúc vì từng sập bẫy khi mua phải hàng nhái do một người lạ bán trên Facebook.
“Lúc nhận em gấu về, mình thấy nghi nghi do lông không tơi mượt và đường nét của tem vải cũng không rõ nét. Đăng lên nhóm để hỏi, nhiều người đều khẳng định đây là hàng nhái. Nhắn tin phản ảnh với người bán, mình lập tức bị chặn”, cô cho biết.
Quá yêu thích gấu bông, trong một tuần liền, Minh Anh đều dành thời gian lên website chính hãng để săn mua bằng được mẫu mình yêu thích. Trước đó cô cũng tới ngân hàng làm thẻ tín dụng, thuận tiện thanh toán. Sau hơn 1,5 tháng chờ đợi, với số tiền cô phải trả hơn 2,2 triệu đồng (gồm cả phí vận chuyển và thuế), bé gấu bông cuối cùng cũng về tới Việt Nam.
So với giá được nhiều người rao bán ở trong nước, Minh Anh phải chi số tiền cao hơn khoảng 700.000 đồng. “Được cái mình tin chắc là hàng thật, có cả túi vải của hãng kèm theo, cái túi này mà bán riêng cũng có người mua nha”, Minh Anh nói.
Kể từ khi sàn Taobao cho phép vận chuyển hàng trực tiếp từ Trung Quốc về Việt Nam, có thể tự đặt hàng online, chị Hương Giang (Bình Thạnh) cho biết mình như bị rơi vào tình trạng “mua sắm quá đà, vô tội vạ”. Không chỉ mua đồ gia dụng, máy uốn tóc, túi xách, quần áo, chị còn mua kẹp tóc, lược, mì gói, miến, gia vị…
Thời gian nhận hàng từ Trung Quốc về Hà Nội khoảng 4-5 ngày, hơn một tuần đối với khách ở TP.HCM, trừ một số trường hợp có thời gian giao hàng chậm hơn. Với những món hàng từ Mỹ, nhiều người tiêu dùng Việt tìm cách mua trên Amazon.
Nhiều kênh khác cũng tập trung bán những nhóm hàng khác nhau như: mỹ phẩm (Sephora, Macy’s, Lookfantastic), thời trang và giày dép (Asos, Zalando, Farfetch), đồ điện tử (BestBuy, B&H), hàng tiêu dùng (Walmart, Target)…
Hàng loạt nền tảng mua sắm hàng quốc tế đang được vận hành, giúp khách Việt đặt online thuận tiện như Fado (hàng Mỹ, Nhật, Đức, Anh), Thương Đô, Pugo (hàng Trung Quốc)…
Nở rộ dịch vụ mua hộ
Đều đặn hằng tuần, chị Thu Hương (Hà Nội) lên các trang mạng xã hội, quảng cáo cho khách hàng biết dịch vụ mua hộ. Chỉ cần khách có nhu cầu, chị sẵn sàng mua hộ ở tất cả các trang web ở Mỹ như Amazon, Macy’s, Jomashop… bất kể cuối tuần hay ngày lễ.
“Bên mình có website để theo dõi hành trình đơn hàng vận chuyển, nên khách hàng cứ yên tâm, minh bạch đâu ra đó”, chị Hương khẳng định.
Theo chị Hương, thông qua dịch vụ trung gian, chỉ từ 7-10 ngày là khách đã nhận được hàng tận tay. Thông thường khách đặt mua các sản phẩm thời trang thương hiệu Nike, Adidas, Coach, Ralph Lauren, Lacoste… và các sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, bánh kẹo, mỹ phẩm…
Mê mì gói Trung Quốc có vị cay tê, bạn Hoàng Yên cũng dùng dịch vụ để mua giùm năm gói mì, với tổng “thiệt hại” là 400.000 đồng. “Mình không biết tiếng Trung, bắt buộc phải nhờ người mua”, Yên cho hay.
Do nhiều sàn quốc tế không hỗ trợ giao hàng về Việt Nam hoặc giới hạn đối với một số sản phẩm, một số trang yêu cầu người mua dùng tài khoản ngân hàng nội địa (Trung Quốc, Hàn Quốc…) để thanh toán, nhiều doanh nghiệp đã mở thêm dịch vụ mua hộ nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.
Chẳng hạn Viettel Post đã triển khai tính năng mua hộ hàng từ các sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao và 1688. EMS (Bưu điện Việt Nam) cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, hỗ trợ khách mua sắm xuyên biên giới. Các “đại gia” khác trong ngành vận chuyển quốc tế như DHL, FedEx, Nasco Express, VietCargo… cũng nhập cuộc.
Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, giảng viên lĩnh vực chính sách công và quan hệ quốc tế Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, nhận định việc thương mại điện tử phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tại Việt Nam tiếp cận được các loại hàng hóa đa dạng từ nước ngoài, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa tiêu dùng hiện nay.
“Trải nghiệm các hàng hóa quốc tế cũng giúp nâng cao hiểu biết và kỳ vọng của người dân về chất lượng sản phẩm, gián tiếp tạo nên áp lực tích cực để nhà sản xuất nội địa phải nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng và dịch vụ”, ông Nghĩa nói.
Người Việt chi 2,4 tỉ USD nhập hàng online
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2025 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam trong năm 2024 đạt 32 tỉ USD, tăng lên tới 27%.
Cũng trong năm 2024, theo nhóm chuyên gia thuộc dự án Viet Nam Digital Trade, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trực tuyến của Việt Nam đạt 4,1 tỉ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu khoảng 2,4 tỉ USD.
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 của nền tảng Metric cũng cho biết tổng doanh số năm sàn phổ biến tại Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) đạt 318.900 tỉ đồng, tăng hơn 37%.
Trong đó chỉ riêng sàn Shopee ghi nhận tới hơn 324 triệu sản phẩm được nhập khẩu, với doanh thu hơn 14.200 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 38% và 43% so với cùng kỳ năm trước.
“Sập bẫy” hàng dỏm khi nhờ người lạ mua giùm
Thời gian gần đây nhiều “dân chơi” hàng hiệu người Việt đổ xô săn tìm chiếc túi xách của thương hiệu Polène (Pháp), được tạp chí thời trang Vogue nhận xét là đáng mua bậc nhất năm 2025.
Do nhiều nhu cầu đặt mua cao, nhất là với những túi có màu được yêu thích, không ít người bị rơi vào “bẫy lừa” từ các cá nhân tự làm dịch vụ đặt hộ. Vào trang web chính hãng, chiếc túi Cyme Mini của Polène được báo giá 515 USD (gần 13,5 triệu đồng, bao gồm phí vận chuyển, chưa kèm thuế) nhưng có bên nhận đặt hộ cam kết giá mua 10-11 triệu đồng.
“Thà không mua. Kể cả mua đúng giá từ những người lạ đặt hộ còn chưa chắc thật, huống hồ cái kiểu bán giá dở dở ương ương, rất dễ lừa đảo”, chị Minh Trang (sinh sống tại Pháp) cảnh báo và cho rằng nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, được bán dưới danh “hàng xách tay”, nhiều người vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Khi mua hàng online từ nước ngoài, đa phần khách hàng đều phải thanh toán tiền trước, nhận hàng sau. Khi nhận được hàng không đảm bảo chất lượng, rất khó hoặc không thể hoàn trả. “Có nhiều sản phẩm mình nhận về cực kỳ mê luôn, nhưng làm ẩu thôi rồi, coi như “học phí” chứ không trả được”, chị Hương Giang (TP.HCM) cho hay.