Tài khoản ngân hàng, sim ảo: Không thể để chiêu trò lừa đảo kéo dài

sim ảo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa sử dụng công nghệ AI – Thực hiện: TẤN ĐẠT

Nhiều năm qua, dù cơ quan chức năng và các nhà mạng di động đã áp dụng nhiều biện pháp xóa SIM rác, định danh số điện thoại, định danh tài khoản ngân hàng nhưng những kẻ lừa đảo vẫn đang ngang nhiên dùng số điện thoại mạo danh để lừa đảo, thậm chí công khai cả số tài khoản ngân hàng để nhận tiền lừa đảo, thách thức pháp luật. Chẳng hạn mới nhất là vụ nữ sinh viên bị lừa đến 3 tỉ đồng.

Lỗ hổng khiến tài khoản ngân hàng, sim ảo nở rộ ở đâu?

Đến thời điểm này, các nhà mạng đều khẳng định đã hoàn thành chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, nghĩa là thông tin chủ thuê bao của bất kỳ số điện thoại di động nào đang hoạt động tại Việt Nam cũng đều gắn với một cá nhân thật. Tuy nhiên thực tế người dùng SIM có phải chính là người đứng tên sở hữu SIM hay không lại là một chuyện khác.

Năm 2024, các nhà mạng cũng đã siết chặt việc đăng ký thông tin thuê bao chính chủ khi mua SIM mới bằng cách không cho các đại lý thực hiện việc này mà người mua SIM phải đích thân đăng ký với nhà mạng.

Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác phát triển thuê bao mới. Thậm chí đã có ba doanh nghiệp viễn thông là Vietnamobile, Vnsky, Mobicast đã từng bị cơ quan chức năng đình chỉ phát triển mới do vi phạm về SIM rác trong năm 2024.

Thế nhưng hiện nay việc mua SIM đăng ký sẵn tên người khác (SIM rác) vẫn diễn ra như “mua rau”. Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ từng vào vai người dùng ghi nhận việc đi mua SIM rác dễ dàng tại TP.HCM. Người mua chỉ việc chọn số yêu thích từ nhiều nhà mạng, người bán sau một hồi liên lạc với ai đó thì SIM đã được đăng ký và kích hoạt thành công, không cần dùng thông tin của mình đi đăng ký với nhà mạng di động nữa.

Trong khi đó, trên nhiều trang, hội, nhóm mạng xã hội, hoạt động mời gọi cho thuê, bán tài khoản ngân hàng vẫn diễn ra sôi nổi.

Không những vậy, nhiều kẻ xấu còn tung các chiêu trò hòng chiếm dụng tài khoản ngân hàng của người khác phục vụ hoạt động lừa đảo. Chẳng hạn kẻ lừa đảo tổ chức nhiều chiêu trò khuyến mãi lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo… mở tài khoản ngân hàng, thuê bao di động rồi chiếm dụng.

Cuối năm 2024, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá thành công vụ một nhóm tội phạm người Việt Nam cấu kết với các cá nhân tại Campuchia lập ra nhiều tài khoản Facebook để tiếp cận nhiều thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau trong xã hội.

Kẻ xấu nhắm vào người cao tuổi, người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc học sinh, sinh viên… nhằm thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng/tài khoản.

Sau khi thuê mở thành công tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin tài khoản, SIM điện thoại, email, quay lại video khuôn mặt của mình và làm theo các yêu cầu khác của nhóm lừa đảo.

Theo cơ quan công an, các thông tin này sẽ được nhóm lừa đảo sử dụng cho việc hack sinh trắc học tài khoản ngân hàng rồi chuyển lại cho các cá nhân tại Campuchia để nhận tiền lừa đảo được và rửa tiền.

sim ảo - Ảnh 2.

Người dùng vẫn có thể tìm mua được SIM điện thoại từ các cửa hàng phụ kiện điện thoại tại TP.HCM – Ảnh: THANH HIỆP

Tìm nguyên nhân để khắc phục

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-5, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – giám đốc thương mại điện tử của hệ thống bán lẻ 24hStore – cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng SIM, tài khoản không chính chủ bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo người dùng.

Ngoài tình trạng “thuê” người mở tài khoản như trên, các chiêu trò lừa đảo hiện nay sử dụng công nghệ rất tinh vi: từ giả mạo trang web ngân hàng, app độc hại, đến phần mềm thu thập dữ liệu cá nhân. Các thủ đoạn này khiến người dùng rất dễ trở thành nạn nhân, nhất là khi thiếu kỹ năng số cơ bản.

Bên cạnh đó một phần đáng chú ý đến từ hoạt động xuyên biên giới, đặc biệt từ Campuchia – nơi chưa áp dụng xác thực sinh trắc học khi đăng ký SIM. Một số nhóm lừa đảo còn thuê người Việt quay video khuôn mặt để làm eKYC (electronic Know Your Customer – định danh khách hàng điện tử giúp xác minh danh tính khách hàng thông qua sinh trắc học, ký tự quang học…) giả, chuyển dữ liệu sang nước ngoài để thực hiện các giao dịch gian lận.

Còn theo ông Nguyễn Duy Tín, giám đốc công ty truyền thông trong mảng fintech, SIM, tài khoản ngân hàng ảo, không chính chủ… là vấn đề của nhiều quốc gia đã và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

“Ngay các quốc gia phát triển, tình trạng SIM không chính chủ, tài khoản ngân hàng giả mạo cũng vẫn còn tồn tại, bất chấp việc nâng cấp công nghệ và gia tăng mức phạt. 

Tội phạm mạng thường xuyên tìm ra cách lách luật để mua bán, tạo mới và sử dụng SIM rác, từ đó lập tài khoản ngân hàng giả mạo để phục vụ cho việc lừa đảo và các hành vi trái pháp luật”, ông Tín nhận xét.

Về mặt công nghệ, theo ông Tín, dù các tổ chức tài chính lớn ở Việt Nam áp dụng eKYC và trí tuệ nhân tạo để phát hiện các trường hợp giả mạo giấy tờ, gương mặt…, nhưng công nghệ deepfake cũng ngày một tinh vi và nâng cấp nhanh chóng theo thời gian. Đây là một cuộc chiến về công nghệ, buộc các ngân hàng và nhà mạng phải liên tục cải tiến hệ thống của mình.

Điều quan trọng là vấn nạn tội phạm lừa đảo trực tuyến đã kéo dài nhiều năm qua như vậy cần có hồi kết. “Các cơ quan chức năng phải ra tay chấm dứt vấn nạn này, nếu để dài tình trạng lừa đảo như vậy không chỉ gây nhiều hệ lụy to lớn cho xã hội mà còn đặt ra dấu hỏi về việc thực thi pháp luật” – ông Quang Phú, giám đốc một công ty giải pháp công nghệ, nhận định.

sim ảo - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Kiến nghị hoàn thiện luật, xây dựng kho dữ liệu lừa đảo

Trong bài viết tham luận tại hội nghị tổng kết công tác 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Tập đoàn Viettel kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện nghị định sửa đổi nghị định 91/2020 ngày 14-8-2020, quy định các đơn vị, các doanh nghiệp có trách nhiệm như nhau trong việc ngăn chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu việc xây dựng thỏa thuận liên ngành giữa bộ này với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng kho dữ liệu về các số điện thoại lừa đảo, số tài khoản ngân hàng lừa đảo nhằm tạo ra nguồn dữ liệu về tập khách hàng, tập thuê bao vi phạm làm cơ sở để các doanh nghiệp viễn thông cùng chặn các số thuê bao đó, không cho kết nối vào mạng, không cung cấp dịch vụ cho các cá nhân và tổ chức được xác nhận thực hiện hành vi vi phạm.