Cơ quan điều tra yêu cầu Bộ Y tế siết chặt kiểm soát chất lượng thuốc đầu vào, đảm bảo an toàn cho người bệnh

Mua thuốc giá bèo để cung ứng

Cơ quan điều tra yêu cầu Bộ Y tế siết chặt kiểm soát chất lượng thuốc đầu vào, đảm bảo an toàn cho người bệnh ảnh 1

Một số bị can trong vụ án.

Theo kết luận điều tra, vụ án khởi nguồn từ hành vi gian lận trong đấu thầu, cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó Công ty LanQ và Công ty Dược Sơn Lâm đóng vai trò trung tâm. Sau khi Thông tư 15/2019/TT-BYT cho phép các cơ sở y tế tư nhân tự tổ chức đấu thầu thuốc, Nguyễn Mạnh Quyền – nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty LanQ đã bắt tay với Phạm Văn Cách – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Sơn Lâm xây dựng kế hoạch dàn xếp, thông thầu với sự tiếp tay của một số cá nhân, doanh nghiệp “quân xanh”.

Thông qua thủ đoạn tinh vi, Công ty Dược Sơn Lâm liên tiếp trở thành đơn vị trúng thầu với giá cao. Sau khi trúng thầu, công ty này mua thuốc từ một doanh nghiệp khác, với giá rẻ, không hóa đơn chứng từ. Sau đó, các lô thuốc được hợp thức hóa bằng hóa đơn nhằm phục vụ cho việc rút tiền từ Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Từ các hồ sơ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Công ty LanQ đã thực hiện thanh toán và rút hơn 40 tỷ đồng từ BHXH tỉnh Bắc Giang cùng khoản đồng chi trả của người dân. Trong đó, có hơn 18 tỷ đồng bị xác định là chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.

Không dừng lại ở đó, quá trình điều tra còn làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ có hệ thống. Để được BHXH tỉnh Bắc Giang giải ngân các khoản tạm ứng cho cơ sở khám chữa bệnh, Nguyễn Mạnh Quyền đã chỉ đạo cấp dưới đưa 700 triệu đồng cho Thân Đức Lại – nguyên Giám đốc BHXH tỉnh. Ngoài ra, Lê Văn Tình – Phó Giám đốc Công ty Sơn Lâm, thực hiện chỉ đạo của Phạm Văn Cách đã trực tiếp đưa hàng chục tỷ đồng cho nhiều cán bộ y tế tại bệnh viện, trung tâm y tế thuộc nhiều tỉnh, thành trên cả nước để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cung ứng thuốc.

Đáng chú ý, trong số các bị can bị đề nghị truy tố có Huỳnh Nguyễn Lộc – nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, bị cáo buộc nhận hơn 47 tỷ đồng từ Phạm Văn Cách dưới hình thức “hoa hồng” từ 20–25% giá trị hóa đơn. Khoản tiền này được chuyển qua nhiều lần, bằng hình thức đưa trực tiếp hoặc qua cấp dưới. Tương tự, Trương Thị Thu Hương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên, bị cáo buộc nhận hơn 10 tỷ đồng qua tài khoản cá nhân hoặc người thân.

Bên cạnh đó, bị can Lê Văn Tình cũng bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng từ hai bị can khác, đồng thời giúp sức cho hành vi đưa hối lộ.

Lợi dụng kẽ hở và sự buông lỏng giám sát

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận định, đây là vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế và bảo hiểm xã hội, với phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam. Hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, từ năm 2015 đến nay mới bị phát hiện, gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý và khắc phục hậu quả.

Các đối tượng đã triệt để lợi dụng kẽ hở pháp luật trong cơ chế tổ chức đấu thầu và sự buông lỏng kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, để hợp thức hóa việc mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, kê khai chi phí không đúng thực tế, trục lợi từ ngân sách BHXH. Đồng thời, nhiều cá nhân có chức vụ, quyền hạn trong ngành y tế và BHXH đã trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay, nhận tiền để bỏ qua sai phạm, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, y học cổ truyền và bảo hiểm y tế.

Trên cơ sở kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị nhiều biện pháp nhằm siết chặt quản lý và phòng ngừa sai phạm tái diễn.

Cụ thể: Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cần tăng cường giám sát quá trình tổ chức đấu thầu, thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở này phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn ngừa gian lận trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế.

Đối với Bộ Y tế, rà soát toàn diện các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu thuốc, đặc biệt là vị thuốc cổ truyền và dược liệu; kịp thời sửa đổi, bổ sung để hướng dẫn các sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh tổ chức đấu thầu minh bạch, công bằng, không để xảy ra tình trạng thông thầu, nâng giá. Đồng thời, Bộ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, siết chặt khâu kiểm soát chất lượng thuốc đầu vào, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Đối với các cơ quan, tổ chức liên quan, cần có biện pháp chấn chỉnh và xử lý kịp thời đối với những cá nhân có dấu hiệu sai phạm trong vụ án nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhằm bảo đảm kỷ luật công vụ và tạo hiệu ứng răn đe trong toàn hệ thống.