Thủ tướng: Lập chuyên án, xử nghiêm công chức buông lỏng để vi phạm hàng giả

hàng giả - Ảnh 1.

Gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả của quản lý thị trường – Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị số 13 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp hơn với phạm vi rộng, đối tượng nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh, sức khỏe và lòng tin của nhân dân, gây hoang mang lo lắng trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng

Vì vậy để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Thủ tướng yêu cầu phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trong đó người đứng đầu Chính phủ đề nghị xây dựng được phong trào toàn dân trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bí thư tỉnh ủy và thành ủy cùng các cấp ủy vào cuộc tích cực công tác đấu tranh này, kết hợp kiểm tra giám sát, xây dựng được phong trào toàn dân trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, sĩ quan có hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, vi phạm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15-5 đến 15-6, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.

Cùng đó ông yêu cầu Bộ Nội vụ phải xác định rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, rõ lĩnh vực của từng cơ quan, đơn vị; bảo đảm không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống pháp lý, không vì sắp xếp tổ chức bộ máy mà buông lỏng quản lý, ảnh hưởng đến công tác.

Xử lý nghiêm các vụ vi phạm

Bộ Công an lập chuyên án đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội; phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan để xảy ra sai phạm.

Kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung; tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi Bộ luật Hình sự với mức hình phạt đủ sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội.

Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Bộ Y tế tăng cường đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả; khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, các văn bản quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng; nghiên cứu đề xuất tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.