Cách Phú Mỹ hỗ trợ nâng cao chất lượng nông sản

Sản xuất bằng công nghệ châu Âu, kiểm soát Cadimi nghiêm ngặt, NPK Phú Mỹ giúp nâng cao chất lượng nông sản, mở rộng cơ hội xuất khẩu.

Từ đầu năm 2025, Trung Quốc – thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt, áp dụng quy định siết chặt hàm lượng Cadimi (Cd) trong sầu riêng nhập khẩu. Theo đó, hàm lượng Cadimi xuất sang thị trường này không được vượt quá 0,05 mg một kg trong phần cơm trái. Đây là một trong những thách thức lớn với nông dân Việt Nam.

Tại Đăk Lăk, vùng trồng sầu riêng trọng điểm, nhiều hộ dân chuyển sang sử dụng phân bón NPK Phú Mỹ để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mới. Loại phân này được sản xuất bằng công nghệ hóa học của Incro SA (Tây Ban Nha) – một trong những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực sản xuất NPK hiện nay.

Nguyên liệu đầu được chọn lọc kỹ càng, với ammoniac được sản xuất từ nhà máy Đạm Phú Mỹ theo công nghệ Haldor Topsoe (Đan Mạch), các nguyên liệu khác từ các nhà cung cấp uy tín tại châu Âu, Qatar, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này giúp NPK Phú Mỹ đảm bảo hàm lượng Cd luôn duy trì ở ngưỡng dưới 0,25 ppm.





Người dân Đắk Lắk tin dùng phân bón NPK Phú Mỹ vào canh tác sầu riêng. Ảnh: Phú Mỹ

Người dân Đắk Lắk tin dùng phân bón NPK Phú Mỹ vào canh tác sầu riêng. Ảnh: Phú Mỹ

Theo các chuyên gia, mức Cd này thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng Cd quy định trong đất nông nghiệp ở Việt Nam là 2 ppm, thấp hơn ngưỡng giới hạn trên đối với hàm lượng Cd trong đất nông nghiệp của Trung Quốc 4ppm theo tiêu chuẩn (GB 15618-2018). Điều này giúp nông dân yên tâm kiểm soát tồn dư Cd trong nông sản, đặc biệt với sầu riêng xuất khẩu.

Chị Châu Quyên, Trưởng phòng KCS nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết dù luật chưa quy định ngưỡng giới hạn tồn dư Cd trong phân bón NPK, tuy nhiên nhà máy đã chủ động đưa chỉ tiêu Cd vào để phân tích theo dõi từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến kiểm soát thành phẩm đầu cuối.

Công nghệ hiện đại của NPK Phú Mỹ giúp tạo ra các hạt phân đồng đều, dinh dưỡng phân bố tối ưu, hạn chế thất thoát và tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Sản phẩm không chỉ cung cấp dinh dưỡng cân đối mà còn góp phần bảo vệ đất, giảm thiểu nguy cơ tích lũy kim loại nặng, đảm bảo sầu riêng đạt chất lượng xuất khẩu.

Tại Đăk Lăk, địa phương trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, nhiều hộ dân sử dụng hoàn toàn NPK Phú Mỹ cho cả vườn. Kết quả ghi nhận năng suất tăng 10-12%, trái to, gai đều, không bị nứt nẻ hay cháy vỏ.

“Tôi dùng NPK Phú Mỹ 100% cho sầu riêng. Cây phát triển khỏe, trái đẹp, mẫu mã đúng yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, đất không bị chai, cỏ vẫn xanh tốt”, ông Bùi Văn Tá, xã Ea Kênh, Krông Pắc chia sẻ.

Nhiều người dân cũng cho biết, sản phẩm phù hợp với cây xen canh như tiêu, cà phê nhờ công thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của từng loại cây. Anh Dương Văn Đông, đại lý phân bón Hạnh Phúc (Krông Pắc) cho biết, số lượng bà con chuyển sang NPK Phú Mỹ ngày càng tăng nhờ chất lượng ổn định và hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Không dừng lại ở chất lượng sản phẩm, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo-Phú Mỹ) còn phối hợp cùng chuyên gia nông nghiệp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn tại Tây Nguyên, Đồng Nai, Tiền Giang, Lâm Đồng… Người dân được chia sẻ kiến thức về quản lý cadmium trong đất, từ việc kiểm tra chất lượng đất, nước tưới, đến áp dụng các giải pháp cải tạo như bón vôi, sử dụng than hoạt tính, và luân canh với cây hấp thụ cadmium.





Các giáo sư và chuyên gia chia sẻ các phương pháp canh tác sầu riêng tiên tiến cho người dân tại Đắk Lắk. Ảnh: Phú Mỹ

Các giáo sư và chuyên gia chia sẻ các phương pháp canh tác sầu riêng tiên tiến cho người dân tại Đắk Lắk. Ảnh: Phú Mỹ

Bên cạnh đó, Phú Mỹ đang hợp tác với các viện nghiên cứu nông nghiệp và đối tác quốc tế để phát triển quy trình canh tác chuẩn hóa, tích hợp các công nghệ tiên tiến như phân tích đất bằng cảm biến, tưới tiêu thông minh, và sử dụng các chế phẩm phân bón sinh học để cải thiện hệ vi sinh vật đất. Những quy trình này không chỉ giúp kiểm soát cadmium mà còn nâng cao chất lượng sầu riêng, từ hương vị, độ ngọt, đến độ bền trong vận chuyển đường dài.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt vào Trung Quốc, nhu cầu phân bón sạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đạt chuẩn quốc tế ngày càng tăng. Việc doanh nghiệp như Phú Mỹ đầu tư vào công nghệ và đồng hành cùng nông dân đang mở ra cơ hội cạnh tranh bền vững hơn cho nông sản Việt.

Minh Ngọc