Cán bộ không chuyên trách phường, xã lo lắng trước ngày mất việc

15 năm là cán bộ không chuyên trách, chị Thu Sang làm việc “như công chức” nhưng thu nhập được tính theo bậc lương thấp nhất, và sắp phải nghỉ việc nhưng chưa rõ chế độ.

Những ngày này, chị Nguyễn Thu Sang, 45 tuổi, cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình của một phường khoảng 75.000 dân của quận 12 tất bật thống kê trẻ chuẩn bị vào lớp 1, lao động trong độ tuổi. Chị cũng rà lại danh sách phụ nữ dưới 35 tuổi, sinh đủ hai con, hộ nghèo, cận nghèo để trình hỗ trợ theo chính sách của thành phố.

Mỗi ngày chị có mặt ở trụ sở phường lúc 7h30, đảm bảo thời gian làm việc 8 tiếng. Những hôm phải gặp gỡ người dân hoặc triển khai các chương trình về cơ sở, ngày làm việc của chị kéo dài đến đêm.

Chị Sang gắn bó với phường từ năm 2010, sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán. Trải qua nhiều vị trí, chị thuộc lớp cán bộ không chuyên trách đầu tiên của TP HCM, từ khi Nghị định của Chính phủ chính thức hóa lực lượng này vào năm 2009. Tùy quy mô dân số, diện tích, số lượng cán bộ không chuyên trách ở mỗi xã, phường có sự khác nhau. Họ không hưởng lương như công chức mà nhận phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quyết định.





Cán bộ hội phụ nữ, cựu chiến binh phường Thạnh Xuân, quận 12 chia rau củ để phát cho dân khi TP HCM phong tỏa vì Covid-19 năm 2021. Ảnh: Lê Tuyết

Cán bộ hội phụ nữ, cựu chiến binh phường Thạnh Xuân, quận 12 chia rau củ để phát cho dân khi TP HCM phong tỏa vì Covid-19 năm 2021. Ảnh: Lê Tuyết

TP HCM hiện có 5.562 người hoạt động không chuyên trách tại 273 xã, phường, thị trấn. Họ đảm nhiệm các vị trí: như phó chủ tịch các hội, đoàn thể, cán bộ bình đẳng giới, trẻ em, công nghệ thông tin, lao động, thương binh và xã hội, kinh tế, thủ quỹ – văn thư – lưu trữ…

Mức phụ cấp của nhóm không chuyên trách được tính bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở (hiện là 2,34 triệu đồng), được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng không có bảo hiểm thất nghiệp. Họ ký hợp đồng lao động với địa phương và không được xét tăng bậc lương định kỳ như công chức.

Ngày mới vào làm, lương khởi điểm của chị Sang chưa đến 2 triệu đồng mỗi tháng. Đến năm 2015, khi có bằng đại học, hệ số phụ cấp của chị tăng từ 1,86 lên 2,34, cộng thêm một khoản hỗ trợ. Hiện, tổng thu nhập mỗi tháng của chị hơn 8 triệu đồng.

“Thu nhập thấp, việc nhiều nên tôi đã vài lần xin nghỉ”, chị Sang nói. Đỉnh điểm là năm 2020, quy định số cán bộ không chuyên trách cấp xã thay đổi nên TP HCM giảm hàng loạt. Chị Sang có bằng đại học và kinh nghiệm nên được giữ lại, song phải gánh phần việc vốn dĩ trước kia của 2-3 người mà thu nhập không tăng nên chị quyết định nghỉ.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, phường đã vận động chị quay lại hỗ trợ. Việc TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, cho phép các xã, phường đông dân được tuyển thêm người và có thêm thu nhập, đã giúp công việc của chị đỡ vất vả và đời sống cải thiện.

“Theo chủ trương chung, sắp tới sẽ mất việc mà chưa biết quyền lợi ra sao. Chúng tôi không được đóng bảo hiểm thất nghiệp nên sẽ không được hưởng trợ cấp khi rời nhà nước”, chị Sang nói. Ở tuổi 45, chị e ngại khó có nơi nào nhận vào làm việc.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ ngày 1/8 tới, khi mô hình chính quyền hai cấp được thực hiện trên toàn quốc, khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường sẽ chấm dứt công việc. Chế độ hỗ trợ cho nhóm này đang được lấy ý kiến, và TP HCM cũng đang xây dựng một chương trình riêng, đề xuất mức trợ cấp một lần từ 400 đến 550 triệu đồng cho mỗi cán bộ.

Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có hơn 123.000 dân. Chính quyền xã có 47 nhân sự trong đó 23 lao động không chuyên trách. Theo Chủ tịch UBND xã Phùng Quốc Việt, các cán bộ đều làm việc không ngơi tay bởi xã là địa bàn đông dân nhất thành phố. Bình quân mỗi cán bộ phục vụ 5.000-6.000 dân.

“Về công việc, hoàn toàn không có sự phân biệt giữa không chuyên trách và công chức. Tất cả đều nỗ lực như nhau bởi mỗi người một mảng, vị trí, lĩnh vực”, ông Việt nói.

Theo lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A, cán bộ không chuyên trách vẫn đảm bảo tuân thủ thời gian làm việc, chịu đánh giá xếp loại để xem xét tái ký hợp đồng, hưởng hỗ trợ tăng thêm. Tuy nhiên, so với công chức, họ có thiệt thòi hơn là không được tăng lương định kỳ, vị trí pháp lý không bằng. Khi tinh gọn bộ máy, cán bộ, công chức được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178, 67 với nhiều chế độ vượt trội còn nhóm không chuyên trách đang chờ hướng dẫn.

“Mọi người rất tâm tư nhưng vẫn nỗ lực hoàn thành phần việc của mình trước khi chuyển giao. Tôi hy vọng sẽ có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho cán bộ không chuyên trách”, ông Việt nói.





Cán bộ không chuyên trách xã Vĩnh Lộc A hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã. Ảnh: An Phương

Cán bộ không chuyên trách xã Vĩnh Lộc A hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã. Ảnh: An Phương

Cùng chung nỗi lo lắng, ông Thanh Tùng, 35 tuổi, Phó chủ tịch mặt trận của một phường ở Gò Vấp, và vợ anh, một cán bộ văn thư – lưu trữ ở phường khác, cũng sẽ mất việc. “Chúng tôi thực sự rất lo vì hai con đang đi học. Ở tuổi này tìm việc mới không hề dễ”, ông Tùng nói.

Nơi ông Tùng làm việc có khoảng 20 cán bộ không chuyên trách, đa phần trình độ đại học. Người cao tuổi nhất đã ngoài 50, trẻ nhất 26. Những ngày này, mọi người đều đang nỗ lực hoàn thành công việc còn dang dở. “Việc vẫn làm nhưng thực sự ai cũng tâm tư vì chưa biết chế độ khi nghỉ việc sẽ ra sao. Một số tính buôn bán nhưng cũng chưa biết bán gì, lấy vốn ở đâu”, ông Tùng nói.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM (Sở Nội vụ), cho biết thành phố đang khảo sát trình độ, nhu cầu việc làm cũng như mong muốn của cán bộ trong đó có nhóm không chuyên trách để xây dựng chính sách hỗ trợ. Từ kết quả này, trung tâm sẽ giới thiệu công việc phù hợp cho người có nhu cầu.

“Việc sẽ không thiếu nếu những người rời nhà nước sẵn sàng chấp nhận mức lương có thể thấp hơn, thay đổi thói quen và sẵn sàng học tập kỹ năng mới”, bà Thục nói.

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận một số nhà tuyển dụng còn định kiến về sự năng động của người làm trong khu vực nhà nước. Theo bà, thực tế ở TP HCM lại khác, khối lượng công việc quá tải khiến cán bộ phải làm việc sáng tạo và không kể giờ giấc.

“Khối nhà nước không có tiền làm ngoài giờ nhưng cán bộ vẫn làm đến đêm, thứ 7, chủ nhật, tức họ luôn sẵn sàng nếu công việc yêu cầu”, bà Thục nói, cho rằng ngoài nỗ lực của cán bộ, rất cần chủ doanh nghiệp thay đổi thái độ, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ giai đoạn đầu để những người rời khu vực công có việc làm và thích ứng môi trường mới.

Lê Tuyết