Tổng Bí thư: Nghệ An cần xây dựng ‘vùng động lực vệ tinh’

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Nghệ An cần đột phá tư duy, thể chế và xây dựng “vùng động lực vệ tinh” để phát triển các trung tâm cụm xã.

Ngày 15/5, Tổng Bí thư Tô lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 19, và xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.

Theo Tổng Bí thư, bên cạnh những kết quả tích cực như quy mô nền kinh tế đứng thứ 10 cả nước, thu ngân sách xếp thứ 17, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài, Nghệ An vẫn còn nhiều điểm nghẽn phát triển. Dù GDP đứng thứ 10 nhưng ngân sách tỉnh mới tự cân đối được khoảng 50%; thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng một nửa so với mức trung bình cả nước; công tác giảm nghèo còn thiếu tính bền vững.

Ông đề nghị Nghệ An tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, triển khai mô hình chính quyền hai cấp hiệu quả, thông suốt, nhằm phát huy nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. “Để phát triển bền vững, Nghệ An phải có tư duy đổi mới mạnh mẽ về mô hình quản lý và thể chế phát triển, đặc biệt là tại các vùng khó khăn”, Tổng Bí thư nói.

Cụ thể, tỉnh cần xúc tiến hình thành các cụm xã liên kết tại khu vực miền núi trở thành những vùng động lực vệ tinh, đóng vai trò trung tâm trong cung cấp dịch vụ công, giáo dục, y tế, hạ tầng thương mại – tài chính, dịch vụ số… phục vụ trực tiếp người dân.





Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Ang, sáng 15/5. Ảnh: Thành Cường

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, sáng 15/5. Ảnh: Thành Cường

Theo người đứng đầu Đảng, cấp huyện không còn phù hợp với yêu cầu phát triển mới do không sát dân, không trực tiếp giải quyết được các vấn đề người dân quan tâm. “Chúng ta phân chia đơn vị hành chính là để phục vụ người dân nên phải sát dân. Cấp tỉnh thì xa, huyện còn xa hơn nữa. Có nơi người dân đi cả trăm cây số để giải quyết một thủ tục”, ông nói. Do đó, cấp xã được tổ chức lại để bám dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở.

Đánh giá Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển như tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào và khả năng kết nối liên vùng, Tổng Bí thư nhấn mạnh tiềm năng chỉ thực sự trở thành sức mạnh khi có tư duy mới và hành động quyết liệt. Chỉ khi “có khát vọng đủ lớn, tư duy đột phá và hành động cụ thể”, tỉnh mới chuyển hóa được tiềm lực thành hiện thực.

“Nghệ An cần dám rời khỏi quán tính phát triển cũ, hướng tới mô hình tăng trưởng hiện đại, lấy công nghệ và tri thức làm động lực, thể chế và quản trị làm đòn bẩy, con người và văn hóa xứ Nghệ làm nền tảng”, Tổng Bí thư gợi ý.

Ông khẳng định phát triển không thể tiếp tục dựa vào mở rộng quy mô mà phải chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới và sáng tạo. Nghệ An cần tập trung phát triển kinh tế theo 4 trụ cột chiến lược: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế biển và kinh tế tri thức; đồng thời thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế địa phương.

Tổng Bí thư mong muốn Nghệ An phải trở thành hình mẫu của một địa phương phát triển hiện đại trong kỷ nguyên mới, “nơi kết tinh của quản trị tiến bộ, đổi mới xã hội, năng lực công nghệ và khát vọng vươn lên”. Đây không chỉ là thời cơ mà còn là thách thức lớn về bản lĩnh, tầm nhìn và sự lựa chọn. “Nghệ An cần hành động bằng tinh thần của người tiên phong”, ông nói.

Hiện nay Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.486 km2), dân số hơn 3,8 triệu. Tỉnh có 17 huyện, 2 thị xã, một thành phố và 412 đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, tỉnh đã thống nhất phương án sáp nhập, giảm từ 412 xã xuống còn 130.

Theo Nghị quyết 60 được Trung ương ban hành ngày 12/4, từ ngày 1/7/2025, mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ chuyển sang hai cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, thị trấn hoặc đặc khu). Các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.

Đức Hùng