Vietnam Airlines kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025

Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Vietnam Airlines đang tiếp tục khẳng định vị thế Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Ảnh: VNA

Vietnam Airlines đạt kết quả kinh doanh ấn tượng ngay từ quý đầu năm

Vietnam Airlines khởi đầu năm 2025 bằng một kết quả kinh doanh quý I hết sức khả quan. Doanh thu hợp nhất trong quý đầu năm của Hãng hàng không quốc gia đạt gần 31.107 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 3.625 tỉ đồng – một con số ấn tượng trong bối cảnh toàn ngành vẫn đang trong quá trình tái thiết sau đại dịch.

Riêng công ty mẹ Vietnam Airlines cũng ghi nhận doanh thu gần 25.019 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 3.044 tỉ đồng.

Động lực tăng trưởng của hãng hàng không hàng đầu Việt Nam đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế, chi phí nhiên liệu giảm và khả năng điều hành linh hoạt. Giá nhiên liệu bình quân duy trì ở mức 91 USD/thùng, thấp hơn gần 5% so với năm 2024 – yếu tố góp phần trực tiếp vào cải thiện biên lợi nhuận.

Thực tế, năm 2025 chứng kiến sự bùng nổ của lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ngay trong tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón 2,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước – con số cao kỷ lục từ trước đến nay. 4 tháng đầu năm, cả nước đón tới 7,67 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê cho thấy các thị trường trọng điểm đều phục hồi tích cực. Trung Quốc dẫn đầu với 956.000 lượt khách trong 2 tháng, Hàn Quốc xếp thứ hai với 850.000 lượt.

Các thị trường khác như Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 5% đến gần 40%.

Bám sát đà phục hồi mạnh mẽ, quý đầu năm 2025, Vietnam Airlines Group vận chuyển gần 6,2 triệu lượt hành khách, trong đó riêng Vietnam Airlines vận chuyển hơn 6 triệu lượt, tăng lần lượt 6,7% và 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vietnam Airlines - Ảnh 2.

Vietnam Airlines tổ chức chuyến bay đặc biệt dịp 30-4-2025 – Ảnh: VNA

Các khu vực thị trường quốc tế đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, với thị trường Ấn Độ tăng mạnh nhất 26,6%, kế đến là Trung Đông tăng 25,8%, và Đông Bắc Á tăng 13,6% nhờ sự phục hồi của Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong.

Chất lượng khách quốc tế cũng cải thiện rõ nét, đặc biệt tại các thị trường doanh thu cao như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đối tượng khách doanh thu cao từ Nhật Bản đã phục hồi đạt gần 90% so với cùng kỳ 2019, thay vì 60% như cùng kỳ năm trước.

Ngoài vận chuyển hành khách, vận tải hàng hóa tiếp tục là điểm sáng khi doanh thu 3 tháng đầu năm vượt kế hoạch hơn 220 tỉ đồng. Đây là mảng hoạt động giúp hãng giảm phụ thuộc vào doanh thu từ hành khách và cân bằng dòng tiền trong bối cảnh thị trường biến động.

Về mặt tài chính, Vietnam Airlines thể hiện tầm nhìn chiến lược khi ký biên bản ghi nhớ trị giá 560 triệu USD với Citibank; ký kết hợp tác toàn diện với Vietcombank và VNPT. Việc hợp tác với VNPT để triển khai dịch vụ Internet trên máy bay (IFC) cho đội máy bay Airbus A350 là bước đi quan trọng, mở ra trải nghiệm mới cho hành khách trên các đường bay dài.

Mở rộng mạng bay, nâng tầm thương hiệu

Thời gian gần đây, Vietnam Airlines liên tiếp khai trương hoặc khôi phục các đường bay trọng điểm, giàu tiềm năng về khách du lịch và thương mại.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã liên tiếp khai trương hai đường bay quốc tế từ Hà Nội đi Bengaluru và Hyderabad (Ấn Độ) trong những ngày đầu tháng 5. Trước đó, hãng đã khai thác các đường bay thẳng từ Hà Nội và TP.HCM đến Delhi và Mumbai.

Cũng trong tháng 5, Vietnam Airlines khôi phục đường bay thẳng Hà Nội – Moscow (Nga) sau 3 năm gián đoạn. Đường bay thẳng này không chỉ giúp tăng cường kết nối mà còn tạo thuận lợi cho sự phục hồi của ngành hàng không và du lịch hai nước.

Từ 1-6, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mở đường bay thẳng TP.HCM – Bali (Indonesia) với tần suất 4 chuyến khứ hồi mỗi tuần trước khi tăng tần suất lên 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào tháng 7. Đây cũng là đường bay thứ hai của Vietnam Airlines đến Indonesia, sau Hà Nội – Jakarta.

Vietnam Airlines cũng cho biết từ 1-7 sẽ tiên phong mở đường bay thẳng từ Hà Nội – Milan (Italy) với 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần. Với việc khai thác đường bay thẳng đến đất nước hình chiếc ủng này, tổng số đường bay thẳng của Vietnam Airlines tới châu Âu đã được nâng lên con số 9, bên cạnh các đường bay thẳng của hãng từ Hà Nội, TP.HCM đến Paris (Pháp), Frankfurt, Munich (Đức), London (Anh) và Moscow (Nga).

Theo đại diện Vietnam Airlines, dự kiến trong năm 2025, Vietnam Airlines mở mới 15 đường bay quốc tế đến các điểm như Nga, Italy, Đan Mạch, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE…

Vietnam Airlines - Ảnh 3.

Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines mang hình ảnh chim Lạc – biểu tượng thiêng liêng của văn hóa Việt Nam – Ảnh: VNA

Không chỉ liên tục mở mới nhiều đường bay quan trọng, Vietnam Airlines còn tiên phong trong chuyển đổi số khi triển khai định danh và xác thực điện tử toàn trình với ứng dụng VneID. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một hãng hàng không áp dụng sinh trắc học cho thủ tục bay.

Nỗ lực cải tiến không ngừng đã đưa Vietnam Airlines vào danh sách “Top 25 Hãng hàng không an toàn nhất thế giới” và “Top 25 Hãng hàng không tốt nhất thế giới” do AirlineRatings.com  bình chọn. Hãng tiếp tục được World Travel Awards vinh danh là “Hãng hàng không có dịch vụ trên không tốt nhất Việt Nam” và “Hãng hàng không dẫn đầu châu Á về bản sắc văn hóa”.

Đặc biệt, Vietnam Airlines lần thứ hai liên tiếp đoạt giải “World’s Best Value Premium Economy”. Đây là kết quả minh chứng sự đầu tư bài bản cho các hạng ghế trung cấp, đáp ứng nhu cầu của nhóm hành khách cao cấp nhưng tiết kiệm chi phí.

Tiên phong chuyển đổi xanh

Không chỉ chinh phục bầu trời bằng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, Vietnam Airlines còn đang dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam trên hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Một bước đột phá được hãng triển khai từ ngày 1-1-2025 là tất cả chuyến bay khởi hành từ các sân bay châu Âu của Vietnam Airlines đều sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) – đánh dấu Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên ứng dụng SAF vào khai thác thương mại.

Ban đầu, các chuyến bay sử dụng SAF với tỷ lệ tối thiểu 2%. Con số này sẽ từng bước nâng lên 6% vào năm 2030, 20% vào năm 2035 và hướng tới 70% vào năm 2050. Điều này thể hiện cam kết rõ ràng cho sự chuyển mình toàn diện theo xu hướng phát triển bền vững của ngành hàng không thế giới.

“Bay xanh” nhưng không hề rẻ. Chi phí cho nhiên liệu SAF hiện cao gấp 2-3 lần so với nhiên liệu hóa thạch, có thời điểm đội lên tới 5-6 lần.

Vietnam Airlines ước tính, riêng việc sử dụng SAF cho các đường bay châu Âu đã khiến chi phí khai thác tăng thêm khoảng 4,8 triệu USD mỗi năm.

Vietnam Airlines - Ảnh 4.

Ngày 7-5, tại Trung tâm Triển lãm Salone Dei Tessuti (Milan, Italy), Vietnam Airlines chính thức công bố khai trương đường bay thẳng kết nối Hà Nội và Milan từ 1-7-2025 – Ảnh: VNA

Không chỉ dừng lại ở SAF, Vietnam Airlines còn đồng loạt triển khai nhiều giải pháp xanh hóa đội bay và hoạt động khai thác: từ đầu tư các dòng máy bay thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu, tối ưu lịch bay và tải trọng, đến áp dụng công nghệ quản lý nhiên liệu hiện đại. Năm 2024, lượng khí CO₂ mà hãng cắt giảm được nhờ các biện pháp này lên tới gần 70.000 tấn.

Cùng với đó là hàng loạt hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa: từ tham gia “Thử thách hàng không 2024” do liên minh SkyTeam phát động, hưởng ứng “Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone” của Liên Hợp Quốc, đến những chiến dịch mang đậm dấu ấn môi trường như “Bay nhẹ tới Côn Đảo” hay “Góp Lá Vá Rừng” – nhằm phục hồi rừng trên hành lang xanh giữa hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình.

Những thành quả đạt được đã cho thấy sức bật mạnh mẽ và hướng đi đúng đắn của Vietnam Airlines trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Với tầm nhìn chiến lược, tinh thần chủ động đổi mới và cam kết phát triển bền vững, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, góp phần kết nối Việt Nam với thế giới bằng những giá trị khác biệt và bền lâu.