Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hòa – cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM – cho biết trong 3 năm gần đây cơ quan thi hành án TP thu hồi được trên 50.000 tỉ đồng, chiếm 76-96% của cả nước. Tuy nhiên vấn đề xử lý tài sản trong thi hành các vụ án kinh tế hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.
Cần quan tâm đến tính chất tài sản từ khâu truy tố, xét xử

Ông Nguyễn Văn Hòa – cục trưởng Cục THADS TP.HCM – Ảnh: Báo Pháp luật
Cụ thể, giai đoạn truy tố, xét xử kéo dài, luật chưa rõ dẫn đến các đối tượng tẩu tán tài sản, tài sản là bất động sản xuống cấp, tốn nhiều chi phí bảo quản, lưu giữ. Qua vụ Trương Mỹ Lan cho thấy công tác phối hợp rất quan trọng, cơ quan thi hành án TP đã phối hợp với C03, viện kiểm sát, tòa án, luật sư…ngay từ đầu để làm rõ dòng tiền, tính chất tài sản.
Ông Hòa cho rằng hiện nay cơ quan điều tra, tòa án chưa quan tâm đến tính chất tài sản nên khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản gặp vướng. Ví dụ, tài sản án tuyên của người phạm tội nhưng thực chất đứng tên của người khác. Đặc biệt là việc xử lý tài sản là các dự án, cơ sở pháp lý không có, quá trình truy tố, xét xử kéo dài khiến giấy phép hết hạn.
Như trong vụ án Hứa Thị Phấn, án tuyên phát mãi dự án Bệnh viện Phú Mỹ diện tích 10ha ở Bình Chánh, nhưng thực tế giấy phép triển khai dự án đã hết hạn, về nguyên tắc phải thu hồi nên hiện nay bán đất thì không đúng, dự án thì không được cấp phép, cơ quan thi hành án loay hoay không biết xử lý như thế nào và liên tục kiến nghị hủy bản án.
Tương tự, việc xử lý tài sản hình thành trong tương lai, cổ phần, cổ phiếu… cũng chưa có quy định xử lý.

TS luật sư Phan Trung Hoài – Ảnh: Báp Pháp luật
Cần có cơ chế xử lý tài sản đang hình thành dang dở
Luật sư Phan Trung Hoài – phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam – chỉ ra nhiều bất cập trong định giá tài sản.
Thời điểm định giá hiện nay (thời điểm cơ quan tố tụng yêu cầu) chưa phù hợp, gây bất lợi cho người phạm tội do chênh lệch giá trị tài sản giữa thời điểm phạm tội và thời điểm định giá.
Hiệu lực chứng thư thẩm định giá (6 tháng) quá ngắn, gây khó khăn khi tài sản không được định giá lại kịp thời.
Phương pháp định giá hiện nay cũng tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, khi áp dụng phương pháp so sánh, đơn vị định giá phải thực hiện khảo sát và thu thập thông tin về tài sản so sánh. Trong đó có việc thu thập từ các phương tiện thông tin đại chúng; mạng internet… dẫn đến có những băn khoăn về tính pháp lý và xác thực của các nguồn thông tin này. Kết quả định giá của các công ty định giá có sự chênh lệch rất lớn…
Việc định giá tài sản đặc thù như cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai cũng thiếu hướng dẫn cụ thể.
Luật sư Hoài đề xuất có cơ chế xử lý tài sản đang hình thành dở dang hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý; định giá tài sản theo giá thị trường; thành lập hội đồng xử lý tài sản cho các vụ án lớn; hoàn thiện quy định về thu thập thông tin khách quan, xác định thời điểm định giá, và hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản đặc thù, đảm bảo tính thống nhất và có lợi cho người phạm tội.
Hội đồng định giá cần tham khảo giá cả địa phương và giá trị tài sản do các bên cung cấp để xác định giá bình quân, chỉ định giá theo khung giá khi có đủ chứng cứ chứng minh sát với giá thị trường.
Tại hội thảo, luật sư Lê Văn Hoan đề nghị không giao tài sản cho đơn vị nhận thế chấp hoặc cá nhân không có chức năng thi hành án; Cần sửa đổi một phần nội dung liên quan đến luật nhà ở, luật đất đai.