‘Cấp tỉnh cần hạn chế cầm tay chỉ việc với cấp xã’

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng UBND cấp tỉnh cần hạn chế can thiệp vào công tác điều hành của cấp xã nhằm bảo đảm nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm”.

Sáng 14/5, trong phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm về quy định cho phép UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cấp xã trong “trường hợp cần thiết” (Điều 11 dự thảo).

Đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại) đồng tình đây là chính sách cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều đơn vị hành chính mới được thành lập, phạm vi quản lý của cấp xã hiện nay rộng và phức tạp hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, ông đề nghị dự luật cần quy định rõ các điều kiện và trường hợp cụ thể khi nào chính quyền cấp tỉnh được quyền can thiệp. Đơn cử, luật chỉ nên cho phép cấp tỉnh can thiệp vào những quyết định quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quyền lợi người dân.

“Ngoài những trường hợp này, chính quyền cấp tỉnh cần hạn chế can thiệp vào hoạt động điều hành của cấp xã. Cầm tay chỉ việc cũng chỉ nên áp dụng ở giai đoạn đầu, khi bộ máy chính quyền cấp xã còn non trẻ, chưa vận hành trơn tru, và không nên kéo dài sau khi bộ máy đã hoạt động nhuần nhuyễn”, ông An nhấn mạnh.





Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) lại không đồng tình với quy định này. Nguyên nhân là chính sách này khiến ranh giới trách nhiệm giữa hai cấp chính quyền không rõ ràng, đi ngược nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Ông Minh lo ngại nếu không xác định rõ “trường hợp cần thiết”, cấp xã có thể đùn đẩy trách nhiệm lên cấp tỉnh khi gặp khó khăn hoặc sợ trách nhiệm. Ngược lại, cấp tỉnh có thể lợi dụng quy định để tập trung quyền lực, nhất là trong những lĩnh vực dễ phát sinh lợi ích như quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi, quản lý dự án, đất đai, khoáng sản, tài nguyên, nhân sự và các dịch vụ công, hạ tầng công ích.

“Từ đó có thể làm suy yếu vai trò của cấp xã – cấp chính quyền trực tiếp thực thi và giải quyết công việc tại địa phương, khiến người dân và doanh nghiệp cảm thấy xa rời chính quyền hơn”, đại biểu Minh nói.

Ông thừa nhận mô hình chính quyền cấp xã mới phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn và pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, ông phản đối việc đưa ra chế định dẫn tới xu hướng tập trung quyền lực ở cấp tỉnh. Thay vào đó, ông đề nghị Trung ương và cấp tỉnh nên đóng vai trò chỉ đạo, hỗ trợ, đặc biệt về nhân lực, đào tạo chuyên môn, chuyển giao công nghệ, dữ liệu và các ứng dụng phục vụ quản lý, nhằm hỗ trợ cấp xã trong giai đoạn đầu vận hành, dần hoàn thiện mô hình quản lý hiệu quả.

Đại biểu Minh cũng đề nghị giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã. Việc này sẽ giúp địa phương linh hoạt tổ chức cấp chính quyền phù hợp với tình hình thực tế, xét đến yếu tố hạ tầng, diện tích, dân số, trình độ quản lý và mức độ ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước.

Riêng với các xã thuộc vùng biên giới, hải đảo và khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, ông đề nghị giao thẩm quyền quyết định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm sự kiểm soát thống nhất trong quản lý nhà nước và lường trước các yếu tố phức tạp vượt ngoài phạm vi quản lý của một địa phương.

Theo dự thảo luật, chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND. Cấp tỉnh sẽ tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch và quản lý các vấn đề vĩ mô mang tính liên vùng, liên xã; trong khi cấp xã tập trung thực thi chính sách và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân, giải quyết trực tiếp các vấn đề của cộng đồng dân cư.

Hiện cả nước có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 696 quận, huyện. Sau sắp xếp, dự kiến số đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm còn 34 (28 tỉnh và 6 thành phố), còn số đơn vị hành chính cấp xã giảm từ hơn 10.000 xuống còn hơn 3.320 đơn vị, tương đương mức giảm khoảng 66,91%.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công phù hợp giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện về lập pháp, hành pháp và tư pháp, đặc biệt là giữa Trung ương với địa phương.

Cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã rà soát kỹ lưỡng và dự liệu vấn đề có thể phát sinh trong cái quá trình tổ chức thực hiện phân cấp, phân quyền. Trong đó, dự luật bổ sung trong trường hợp cần thiết, chính quyền cấp tỉnh có thể điều hành hoạt động ở xã, nhằm đảm bảo tính linh hoạt, giúp “dòng chảy trong điều hành được thông suốt, không để đình trệ, không để gián đoạn”.

Ngoài ra, quy định này phù hợp với nguyên tắc của tổ chức chính quyền là gắn với thẩm quyền. Phân cấp, phân quyền nhưng không buông lỏng. Đây cũng là công cụ để bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của người dân cũng như là lợi ích của Nhà nước. “Khi cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã không đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ hoặc phát sinh vấn đề khẩn cấp, phức tạp, nhạy cảm vượt quá khả năng giải quyết ở cấp dưới, thì Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm điều phối”, bà Trà nói.

Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vào ngày 24/6.

Sơn Hà