Đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý 945 container phế liệu tồn đọng

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ làm rõ kết quả xử lý các container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trong năm qua.

Thông tin này được nêu tại báo cáo cho ý kiến về công tác bảo vệ môi trường 2024 của Chính phủ. Liên quan đến hoạt động quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Ủy ban này cho rằng Chính phủ chưa làm rõ kết quả xử lý các container phế liệu tồn đọng tại cảng biển trong năm 2024, trong khi đây là vấn đề kéo dài nhiều năm.

Theo báo cáo về bảo vệ môi trường của Chính phủ năm ngoái, 945 container còn tồn đọng tại cảng biển tính đến ngày 31/12/2023.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (nay là Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) hồi tháng 8 năm ngoái, gần 8.000 container tồn trên 90 ngày tại các cảng biển TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong số này, 3.100 chiếc đã tồn hơn ba năm. Khoảng 1.000 container là hàng phế liệu. Do vướng mắc về kinh phí và thủ tục, thời điểm đó, các bên liên quan đã dừng việc xử lý lô hàng tồn đọng sau khi kiểm kê và phân loại hàng hóa.

Trước tình trạng tồn đọng này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ bổ sung kết quả xử lý. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tăng các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu chất thải trái phép dưới hình thức phế liệu.

Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, gồm phế liệu sắt thép, giấy, nhựa, thủy tinh và kim loại màu. Doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu phi thuế quan không phải áp dụng quy chuẩn này. Điều này giúp việc quản lý tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao hơn về ô nhiễm môi trường.

Chính sách cấm nhập khẩu rác của một số quốc gia dẫn đến phế liệu, chất thải rắn có xu hướng chuyển sang ASEAN, trong đó có Việt Nam. Sắt, thép chiếm tỷ trọng lớn trong phế liệu nhập khẩu. Năm 2015, lượng phế liệu loại này nhập vào Việt Nam ở mức gần 3,2 triệu tấn, đạt đỉnh vào năm 2021 với 6,33 triệu tấn. Một số biện pháp kiểm soát như ký quỹ bảo vệ môi trường giúp giảm lượng nhập khẩu phế liệu này về 4,1 triệu tấn vào năm 2022. Năm ngoái, lượng nhập phế liệu sắt, thép tăng lên 4,9 triệu tấn.

Về bảo vệ môi trường nói chung, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị có cải thiện so với 2023, ở mức 97,26%; chỉ tiêu che phủ rừng trên 42%. Tuy nhiên, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung lại giảm 0,18%; tỷ lệ dân số đô thị dùng nước sạch cũng giảm 2% về 94% so với 2023.

Bảo Bảo