Đồng NaiSau 200 năm, mộ của Phó tổng trấn Thành Gia Định Trịnh Hoài Đức ở trung tâm TP Biên Hòa vẫn giữ được nét nguyên sơ, sắp được trùng tu với kinh phí 200 tỷ đồng.
Nằm cạnh công viên Biên Hùng, TP Biên Hòa, có một quần thể mộ cổ với hàng chục ngôi mộ đá ong, hợp chất… tồn tại xen lẫn trong khu dân cư. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có song mộ của vợ chồng Trịnh Hoài Đức đang được rào chắn, bảo vệ.
Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765, có tên gọi khác là An, tự Chỉ Sơn, quê ở làng Bình Trước (nay là thành phố Biên Hòa), làm quan dưới triều nhà Nguyễn với hai đời vua Gia Long và Minh Mạng. Sau khi qua đời ở Huế vào năm 1825, ông được vua truy phong “Thiếu bảo cần chánh điện đại học sĩ” và đưa về an táng ở quê nhà. Lăng mộ ông cũng được xây cất ngay sau đó, đến nay đã tròn 200 năm.
Ngoài giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình: Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Phó tổng trấn thành Gia Định, Trịnh Hoài Đức còn được biết đến là nhà sử học, địa lý học và văn hóa học… với những công trình nổi danh còn giá trị cho đến hôm nay, tiêu biểu là tác phẩm Gia Định thành thông chí.

Hai ngôi mộ cổ được xây kiểu voi phục. Ảnh: Phước Tuấn
Khu mộ cổ Trịnh Hoài Đức rộng chừng 3 ha, không chỉ có mộ song táng của vợ chồng ông mà có nhiều lăng mộ của con cháu, người nhà trong dòng tộc. Tuy nhiên, những khu lăng mộ này qua thời gian đã bị người dân lấn chiếm, đập phá… nên không còn nguyên vẹn như xưa.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, 80 tuổi, một người dân ở cạnh ngôi mộ, trước đây khu vực này dân cư còn thưa thớt, mỗi năm có một ngày giỗ, bà con dòng họ của chủ nhân ngôi mộ về tham dự đông.
“Tuy nhiên sau này thấy thưa dần, cách đây gần 20 năm thì nhà nước bắt đầu trùng tu lại dịp kỷ niệm Biên Hòa 300 năm thành lập”, bà Nga nói, cho biết những năm qua dân số tăng nhanh dẫn đến tình trạng lấn chiếm, hiện có nhiều ngôi mộ ở ngay trong khuôn viên nhà dân. Chính quyền địa phương nhiều lần có dự án di dời, giải tỏa nhưng chưa thực hiện được.
Hiện khu vực này còn lưu giữ khoảng 12 mộ xây cất bằng đá ong tô vôi hợp chất cổ thuộc các kiểu thức đơn táng (6 mộ), song táng (3 mộ) với một số bia mộ còn chất liệu và trang trí nguyên thủy, chưa hoặc ít bị tô vẽ đời sau như ở nhiều di sản mộ cổ Nam bộ khác.

Khu mộ cổ vị quan triều Nguyễn Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Phước Tuấn
Theo TS Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Nai, mộ song táng Trịnh Hoài Đức và phu nhân được xây cất hướng nam, chếch tây 37 độ, nằm trên mảnh đất rộng chừng 140 m2. Nguyên liệu được cho là đá ong tô vôi hợp chất. Bình đồ chữ nhật, có vòng thành bao, bình phong tiền có gắn thông tin giới thiệu tiểu sử, thân thế sự nghiệp Trịnh Hoài Đức, mặt sau đắp nổi đồ án Long Mã trong cảnh vân mây và sóng nước.
Ngoài ra, cửa lăng trấn 2 cặp trụ búp sen khắc câu đối Nho. Hai mui luyện hình voi phục sóng đôi trên nền chữ nhật với bệ thờ chân quỳ. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, mộ song táng (hay còn gọi là mộ Ông và mộ Bà) ở đây có kiến trúc rất độc đáo, đạt đến trình độ mỹ thuật cao.
“Ngoài loại mộ thường thấy của văn hóa gốc Hoa ở Nam bộ, mộ Trịnh Hoài Đức có hoa văn trang trí theo nghi cách của các quan đại thần triều Nguyễn”, ông Ân nói.
Ngoài các lăng mộ trong dòng tộc, các nhà nguyên cứu của Bảo tàng Đồng Nai và Viện Khoa học xã hội TP HCM năm 2003 phát hiện một mộ yểm (giống hệt mộ chính nhưng không có hài cốt) nằm cách mộ chính lăng Ông chừng 50 m về hướng Bắc.
Do phần dương bị hư hại khó xác định chủ nhân, đoàn nghiên cứu đã đào thám sát xuống sâu 0,5 m và phát hiện mộ phần với các dấu vết hợp chất. Lớp hợp chất được làm bằng vôi, cát, mật mía và một ít than hoạt tính. Điều đặc biệt trong mộ không có quan tài hay di cốt nên các nhà nghiên cứu cho rằng đây là ngôi mộ yểm được xây dựng để bảo vệ lăng mộ Trịnh Hoài Đức.

Khu vực mộ cổ của gia tộc họ Trịnh bị lấn chiếm, chính quyền đang có kế hoạch giải tỏa. Ảnh: Phước Tuấn
Trước đó, vào năm 1986 trong khu vực này cũng có một ngôi mộ yểm tương tự nằm ở vị trí Đông – Bắc của mộ Trịnh Hoài Đức bị người dân phá hủy để xây dựng nhà cửa. Các nhà khảo cổ học phỏng đoán, trong khu vực quần thể mộ Trịnh Hoài Đức khả năng còn 2 ngôi mộ yểm nữa theo phép tự yểm 4 góc của người xưa, đồng thời khẳng định hồ nước nằm trong tổng thể của khu mộ Trịnh Hoài Đức chứ không tách rời như hiện nay.
Mộ Trịnh Hoài Đức được Trường Viễn Đông Bác cổ xếp là di tích quý giá vào năm 1938. Năm 1990, khu lăng mộ này được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 1998, trong dịp kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, khu lăng mộ được địa phương trùng tu, xây tường bao quanh để bảo vệ cho đến nay.
Theo UBND TP Biên Hòa, dự án Bảo tồn, tôn tạo lăng mộ Trịnh Hoài Đức với các hạng mục nhà thờ chính, cổng tam quan, chòi nghỉ, nhà bia, cổng hàng rào, nhà vệ sinh, san nền, cây xanh, sân đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện và chống sét nhà thờ chính… đang hoàn thành các thủ tục để triển khai với kinh phí gần 200 tỷ đồng.
Dự án này được kỳ vọng sẽ trả lại vẻ trang nghiêm, khang trang cho khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch của thành phố.
Phước Tuấn.