Đại biểu: Xăng là mặt hàng thiết yếu, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Ảnh: GIA HÂN

Sáng 9-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện hành là phù hợp

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật nêu nhiều ý kiến đề nghị chuyển mặt hàng xăng sang diện không chịu thuế; nếu tiếp tục áp thuế thì cần tính toán mức thuế suất phù hợp hơn.

Ý kiến khác đề nghị vẫn đánh thuế đối với xăng. Một số ý kiến đề nghị loại trừ xăng sinh học, nghiên cứu giảm thuế đối với xăng E5 và E10 để khuyến khích sử dụng, tăng thuế đối với xăng khoáng.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần được sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và quy định mức thuế suất đối với mặt hàng xăng sinh học thấp hơn so với xăng khoáng.

Theo quy định của luật hiện hành, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, luật hiện hành đã quy định mức thuế suất ưu đãi đối với xăng E5 là 8%, E10 là 7%, thấp hơn so với mức thuế suất 10% áp dụng đối với xăng khoáng.

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu và cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cùng với các giải pháp khác, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện hành là phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt.

Góp phần điều tiết tiêu dùng đối với hàng hóa cần sử dụng tiết kiệm, giảm phát thải và phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như dự luật.

Nêu ý kiến về nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang đề xuất không tiếp tục quy định xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc này để đúng với bản chất của thuế này là đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng của xã hội.

Ông nói xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Đồng thời là mặt hàng đã chịu thuế bảo vệ môi trường.

“Do vậy lý giải của cơ quan soạn thảo đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là chưa thuyết phục”, ông Giang nêu rõ.

Ông đề xuất trong trường hợp thấy phải tăng thuế bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường với xăng thì tăng giá trị tuyệt đối đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng, chứ không đưa mặt hàng này chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đúng bản chất.

thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Ảnh: GIA HÂN

Tránh gánh nặng kép cho người dân và doanh nghiệp

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho hay dự luật quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với xăng, dù đây là mặt hàng thiết yếu. Điều này là chưa thỏa đáng, có thể gây ra gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Ông đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và chỉ thu thuế môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng xanh…

Cũng nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng việc đưa xăng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có một số tác động tích cực.

Như khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, điều tiết tiêu dùng xăng. Bởi xăng là mặt hàng thiết yếu nhưng có tác động môi trường lớn, đồng thời góp phần tăng nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên ông bày tỏ băn khoăn vì xăng là đầu vào thiết yếu cho sản xuất, vận tải, sinh hoạt nên việc đánh thuế có thể đẩy chi phí lên cao, ảnh hưởng tới người thu nhập thấp và gây áp lực lạm phát.

Đặc biệt xăng hiện đã chịu nhiều loại thuế, nếu không đánh giá tổng thể sẽ dẫn đến mâu thuẫn chính sách.

Do đó ông thống nhất với ý kiến của đại biểu Giang là bỏ xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế đặc biệt.

Còn nếu vẫn đưa vào đối tượng chịu thuế cần có lộ trình hợp lý, tránh tăng thuế đột ngột và cần điều chỉnh tương ứng các loại thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng để tránh gánh nặng kép cho người dân và doanh nghiệp.